MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cờ Ukraina (trái) và cờ EU bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Bỉ. Ảnh: Xinhua

Tiết lộ các nước thành viên phản đối Ukraina gia nhập EU

Ngọc Vân LDO | 19/11/2023 17:11

Áo và Hungary là 2 trong số các nước EU được cho là sẽ cản trở quá trình Ukraina gia nhập EU.

Một số quốc gia thành viên EU có khả năng phản đối đề xuất Ukraina gia nhập Liên minh châu Âu - hãng truyền thông EUObserver đưa tin.

Khả năng hội nhập của Kiev vào EU dự kiến sẽ được 27 người đứng đầu chính phủ EU thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng 12 tới, sau khi Ủy ban châu Âu khuyến nghị trong tháng này rằng nên bắt đầu các cuộc thảo luận về việc kết nạp Ukraina.

Mặc dù Hội đồng châu Âu dự kiến ​​sẽ ủng hộ kế hoạch, song các dấu hiệu cho thấy quá trình này có thể vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia thành viên chủ chốt, theo EUObserver.

“Chắc chắn Áo sẽ cản trở sự hội nhập của Ukraina, nhưng nước này sẽ đứng đằng sau Hungary” - EUObserver dẫn lời một nhà ngoại giao EU cho hay. “Bất chấp những lời lẽ mới mẻ, Pháp không thực sự muốn Ukraina ở EU và Đức đang chơi trò hoài nghi” - EUObserver viết.

Phát biểu hồi tháng 9, Thủ tướng Áo Karl Nehammer bác bỏ những ý kiến cho rằng khả năng Ukraina gia nhập EU có thể được đẩy nhanh, đồng thời tuyên bố “cần phải có một sân chơi bình đẳng, vì cộng đồng châu Âu cũng phải nghiêm túc xem xét các khuôn khổ thành viên mà chính họ đặt ra".

Tuy nhiên, Hungary được coi là trở ngại chính cho tham vọng châu Âu của Kiev. Thủ tướng Viktor Orban trong tháng này cho biết Ukraina “chưa sẵn sàng” gia nhập EU, nhưng bác bỏ tuyên bố rằng sự phản đối của Budapest liên quan đến việc Liên minh châu Âu giữ lại các khoản tài trợ cho nước này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm ngoái cũng lưu ý, Ukraina có thể phải mất “nhiều thập kỷ” mới trở thành thành viên chính thức của EU, nhưng gần đây đã kêu gọi “sự táo bạo” trong việc mở rộng khối.

Theo nguồn tin của EUObserver, Đức muốn thay đổi hiệp ước EU liên quan đến mở rộng thành viên, chẳng hạn như bỏ phiếu theo đa số. Nguồn tin cho hay, những thay đổi sẽ mang lại cho Berlin nhiều quyền lực hơn, nhưng người Đức không thực sự tin rằng Ukraina sẽ được tham gia.

Đầu tháng 11, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh lập trường của Berlin trong việc tìm cách kết nạp Ukraina vào EU, nhưng thừa nhận cần phải có cải cách để một EU lớn hơn có thể hoạt động. Bà Baerbock cũng cho biết tại một hội nghị EU mở rộng EU ở Berlin trong tháng 11 rằng, sự hội nhập của Kiev là một điều cần thiết về mặt địa chính trị vì “hậu quả của cuộc xung đột Nga - Ukraina”.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ quyết định tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào ngày 14 và 15.12 về việc Ukraina có được phép tổ chức các cuộc đàm phán thành viên chính thức hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn