MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cột khí methane từ đường ống Nord Stream 2 nhìn qua vệ tinh. Ảnh: Environmental Defense Fund

Tiết lộ mới về tác động môi trường của vụ phá hoại Nord Stream

Thanh Hà LDO | 27/04/2024 18:59

Trong vụ Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), khí methane rò rỉ từ đường ống dẫn khí này có thể không ảnh hưởng lớn tới khí hậu, theo nghiên cứu mới.

Tin mới nhất liên quan tới đường ống dẫn khí Nord Stream, lượng khí methane rò rỉ từ đường ống dẫn khí này năm 2022 khó có thể gây tác động ở mức độ đủ để phát hiện được với khí hậu trên toàn thế giới, theo Viện Khí tượng Phần Lan công bố ngày 26.4.

Tháng 9.2022, 3 trong số 4 tuyến đường ống tạo nên hệ thống đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream và Nord Stream 2 đã phát nổ. Những vụ nổ ở đường ống dẫn khí lớn nối Nga và Đức khiến khí methane thoát ra, sủi bọt ở Biển Baltic và gây lo ngại về thảm họa môi trường.

Ngày 26.4, Viện Khí tượng Phần Lan cho biết, lượng khí methane thải ra khi đường ống Nord Stream bị phá hoại là “một lượng lớn”, ước tính khoảng 330 kiloton. Tuy nhiên, trên quy mô toàn cầu, lượng khí thải này “hầu như không dẫn đến bất kỳ hậu quả nào có thể phát hiện được đối với khí hậu”.

Vào thời điểm khí thải rò rỉ sau sự cố Nord Stream, Jeffrey Kargel - nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hành tinh ở Tucson, Arizona, Mỹ - chia sẻ với Politico rằng, “vụ rò rỉ thực sự đáng lo ngại”.

Tuy nhiên, dù lượng khí đốt tổn thất trong vụ nổ đường ống dẫn khí ở Baltic “rõ ràng là lớn nhưng không phải là thảm họa khí hậu như người ta nghĩ", ông Kargel nói.

Khí methane thoát ra từ vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream nhìn từ vệ tinh GHGSat. Ảnh: GHGSat

Cũng liên quan tới phát thải khí methane khi đường ống dẫn khí Nord Stream và Nord Stream 2 giữa Nga và Đức phát nổ năm 2022, Financial Times lưu ý, lượng khí methane rò rỉ trong sự cố này lớn tới mức có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.

GHGSat - công ty vận hành hệ thống vệ tinh giám sát khí nhà kính lớn, tập trung vào phát triển năng lực phát hiện rò rỉ khí methane ngoài khơi - đã đặc biệt chú ý tới khí thải từ vụ Nord Stream bởi vụ việc giúp chứng minh rằng công nghệ phát hiện khí thải bằng vệ tinh mà công ty đang theo đuổi thực sự hiệu quả.

Stephane Germain - nhà sáng lập kiêm chủ tịch của công ty có trụ sở tại Montreal, Canada - cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều hoạt động R&D để thuyết phục rằng kỹ thuật này hoạt động hiệu quả, nhưng Nord Stream quá lớn nên đây là ví dụ thực sự rõ ràng đầu tiên chứng minh những gì chúng tôi có thể làm”.

Đức, Thụy Điển và Đan Mạch đã mở các cuộc điều tra độc lập về vụ Nord Stream. Cả 3 quốc gia đều xác định vụ việc theo hướng vụ phá hoại.

Cho tới nay chưa có kết quả điều tra chính thức về vụ Nord Stream. Tuy nhiên, một số quốc gia đã cáo buộc lẫn nhau gây ra vụ nổ đường ống dẫn khí, với nhiều phân tích và lập luận khác nhau.

Ukraina cáo buộc Nga phá hoại đường ống dẫn khí nối giữa Nga và Đức. Ba Lan cũng ám chỉ rằng Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Về phần mình, Nga bác bỏ các cáo buộc và đã mở cuộc điều tra khủng bố với vụ nổ đường ống dẫn khí Nord Stream và Nord Stream 2.

Đầu tháng 3 năm nay, truyền thông Đức đưa tin, các công tố viên Đức đã tìm thấy “dấu vết” của bằng chứng cho thấy người Ukraina có thể liên quan đến vụ nổ làm nổ tung đường ống dẫn khí Nord Stream. Tuy nhiên, những báo cáo này lưu ý, không có bằng chứng nào cho thấy giới chức Kiev đã ra lệnh tấn công hoặc có liên quan đến vụ phá hoại.

Bản tin của New York Times trước đó về cuộc điều tra vụ đường ống Nord Stream cho biết, “thông tin tình báo cho thấy một nhóm thân Ukraina” đã phá hoại các đường ống dẫn khí ở biển Baltic.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn