MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiết lộ thú vị không ngờ về những người hiện đại đầu tiên

Nguyễn Hạnh LDO | 25/06/2021 19:28

Kết quả phân tích ADN từ trầm tích được phát hiện trong một hang động ở Siberia tiết lộ rằng, những người hiện đại đầu tiên có thể đã từng sống cùng với những loài người cổ đại khác hơn 44.000 năm trước.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, các chuyên gia từ Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Đức đã trích xuất và phân tích 700 mẫu ADN của các lớp trầm tích từ ba vị trí trong hang Denisova ở vùng núi Altai, Siberia. Đây chính là công trình nghiên cứu trầm tích ADN lớn nhất từ trước đến nay ở một điểm khai quật duy nhất.

Hang động được đặt tên theo người Denisovan - loài người cổ xưa có di tích lần đầu tiên được tìm thấy ở đó vào năm 2008. Việc phân tích ADN cho phép nhóm nghiên cứu vạch ra thời điểm các loài khác nhau chiếm giữ hang động và người Denisovan chính là những người đến đầu tiên khoảng 250.000 năm trước. Họ cũng đã tạo ra các công cụ bằng đá cổ nhất tại địa điểm này cách đây khoảng 250.000-170.000 năm trước.

Cho đến cuối thời kỳ này, những người Neanderthal đầu tiên mới đến khu vực này, sau đó cả người Denisovan và người Neanderthal đều chiếm giữ hang động. Họ còn phát hiện ADN của một đứa trẻ có mẹ là người Neanderthal và cha là người Denisovan.

Đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 130.000–100.000 năm trước, không có ADN người Denisovan nào được tìm thấy trong trầm tích. Hơn nữa, khi người Denisovan quay trở lại sau thời gian này, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng họ mang một tín hiệu ADN ty thể khác với quần thể trước đây đã chiếm giữ hang động.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ADN ty thể của người hiện đại xuất hiện cùng lúc với các công cụ và đồ vật có sự đa dạng về thiết kế, vượt trội hơn so với các đồ tạo tác cổ hơn. Điều này không chỉ cung cấp bằng chứng đầu tiên về con người hiện đại cổ đại tại địa điểm này, mà còn cho thấy họ có thể đã mang công nghệ mới vào khu vực.

Nhóm nghiên cứu tin rằng những người hiện đại đầu tiên đã chiếm giữ hang động từ khoảng 63.000-44.000 năm trước.

Nhà khảo cổ học Richard G. Roberts thuộc Đại học Wollongong ở Australia cho biết: "Chúng tôi tự hỏi liệu người Neanderthal, người Denisovan và người hiện đại có từng sống cùng nhau không? Chúng tôi không thể loại trừ khả năng đó, mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng".

Nhà di truyền học Matthias Meyer thuộc Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck cho hay: "Những phát hiện này chỉ là bước khởi đầu. Vẫn còn rất nhiều thông tin ẩn trong các lớp trầm tích, hang động này sẽ khiến các nhà di truyền học bận rộn suốt đời".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn