MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tiết lộ thú vị về cách người Ai Cập cổ đại sử dụng sắc tố và chất kết dính

Thảo My (Ancientpage) LDO | 21/11/2019 11:54
Tư duy của người Ai Cập cổ đại luôn khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Qua việc nghiên cứu các cổ vật, các nhà nghiên cứu đã khám phá cách người Ai Cập cổ đại sử dụng màu và chất kết dính trong các đồ dùng của họ. 

Từ lâu, người ta đã biết rằng các cổ vật cổ đại phản chiếu nhiều màu sắc hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ khi nhìn vào những bức tượng và đền thờ màu trắng sáng bị bỏ lại cho đến ngày nay.  

Ngày nay các bức tượng và tòa nhà chỉ xuất hiện màu trắng vì màu sắc vốn có của chúng đã xuống cấp theo thời gian. Ban đầu, có rất nhiều màu sắc được sử dụng. Điều này cũng đúng với cung điện của vua Apries I trị vì Ai Cập  cổ đại từ năm 589 - 568 TCN, nằm ở đồng bằng sông Nile.

Các tàn tích của cung điện ngày nay được lưu giữ tại Bảo tàng Glyptoteket ở Copenhagen, Đan Mạch và gần đây chúng là tâm điểm của sự hợp tác giữa các nhà khảo cổ từ Glyptoteket, Bảo tàng Anh, Đại học Pisa và một nhà hóa học từ Đại học Nam Đan Mạch. 

Đây là mẫu sơn lấy từ những cây cột ở cung điện. Dưới lớp sơn màu xanh lá cây là một lớp màu be, được sử dụng như lớp nền trước khi sơn lên mặt đá. Ảnh: Ole Haupt / SDU.

"Chúng tôi quan tâm đến việc tìm hiểu thêm về việc sử dụng các sắc tố, chất kết dính và các kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng chúng trong cổ vật", Cecilie Brøns, nhà khảo cổ học cổ điển tại Glyptoteket, cho biết trong một thông cáo báo chí.    

"Nó có mối liên quan rõ ràng đối với các nhà sử gia nghệ thuật, nhưng nó cũng có thể cho chúng ta biết về cách các nền văn hóa khác nhau ở Địa Trung Hải và Cận Đông trao đổi các tài liệu và kiến thức để kết nối với nhau."  

Giáo sư Rasmussen là một chuyên gia trong việc tiến hành các phân tích hóa học tiên tiến về các vật thể khảo cổ. Ông đã từng nghiên cứu về bộ râu của nhà thiên văn học phục hưng Tycho Brahe, bộ xương tu sĩ người Ý, xương bị bệnh giang mai thời trung cổ, các di tích thiêng liêng và các cuộn sách Biển Chết.   

Giáo sư khảo cổ học Kaare Lund Rasmussen từ Đại học Nam Đan Mạch, người đã lấy mẫu của các mảnh vỡ cung điện để tìm hiểu thêm về các sắc tố và chất kết dính cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện có không dưới 2 sắc tố được sử dụng trong các mẫu vật”

Hai sắc tố này là màu vàng chì-antimonate và màu vàng chì-thiếc. Cả hai đều là sắc tố khoáng tự nhiên.  

Màu vàng chì-antimonate và màu vàng chì-thiếc cho đến nay chỉ được tìm thấy trong các bức tranh có từ thời Trung cổ hoặc gần hơn thế. Việc sử dụng lâu đời nhất của màu vàng chì-thiếc được tìm thấy trong các bức tranh cổ châu Âu.   

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy các sắc tố màu như: Canxit (trắng), Thạch cao (trắng), Xanh Ai Cập (một sắc tố tổng hợp, được phát minh vào thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên), Atacamite (xanh lục). Hematite (đỏ) và Orpiment (màu vàng của vàng) trong các cổ vật Ai Cập.

Phân tích chất kết dính khó hơn phân tích sắc tố. Các sắc tố là vô cơ và không bị hư hỏng dễ dàng như hầu hết các chất kết dính là hữu cơ và do đó xuống cấp nhanh hơn.

Tuy nhiên, các đồng nghiệp người Ý của Kaare Lund Rasmussen từ nhóm nghiên cứu của Giáo sư Maria Perla Colombiaini tại Đại học Pisa đã tìm thấy dấu vết của hai chất kết dính, đó là cao su và keo động vật.

Cao su dường như được khai thác từ một cây keo và được sử dụng làm dung môi cho bột màu. Nó được sử dụng rộng rãi như một chất kết dính, và nó cũng đã được tìm thấy trên các cột đá trong Đền Karnak và tranh tường trong lăng mộ của Nữ hoàng Nefertiti. 

Keo động vật cũng thường có sẵn. Nó được tạo ra bằng cách đun sôi các bộ phận của động vật (đặc biệt là da và xương) trong nước thành một khối để có thể sấy khô và nghiền thành bột. Khi cần, bột được khuấy với nước ấm và có thể mang ra sử dụng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn