MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh họa tiểu hành tinh nguy hiểm sắp lao xuống Trái đất. Ảnh: AFP/Getty

Tiểu hành tinh bay sượt qua Trái đất rất gần mà không bị phát hiện

Thanh Hà LDO | 23/09/2021 08:12
Tiểu hành tinh  2021 SG bay sát Trái đất ngày 16.9 nhưng không bị phát hiện vì đến từ hướng của Mặt trời. 

Tiểu hành tinh lớn bằng sải cánh của máy bay Boeing 747 đã bay ngang qua Trái đất. Theo Trung tâm Hành tinh Nhỏ của Liên minh Thiên văn Quốc tế do NASA hậu thuẫn, tiểu hành tinh 2021 SG có đường kính từ 42-94m, với đường kính trung bình là 68m. Kích thước này cũng tương đương chiều cao lâu đài Cinderella ở Disney World và bằng một nửa kích thước của Đại kim tự tháp Giza.

Tiểu hành tinh bay qua Trái đất vào ngày 16.9, theo ghi nhận của đơn vị theo dõi tiểu hành tinh EarthSky. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ phát hiện ra tiểu hành tinh này vào ngày 17.9. 

Tiểu hành tinh trong vũ trụ được các nhà thiên văn và các cơ quan vũ trụ trên toàn thế giới phát hiện thường xuyên nhưng 2021 SG có thể thuận lợi bay qua Trái đất mà không bị phát hiện do đến từ một điểm mù tương đối: Hướng của Mặt trời.

Hầu hết các tiểu hành tinh tiến gần Trái đất được những cơ quan như NASA phát hiện đều tiếp cận hành tinh từ ​​"phía trước", tức đi từ bên ngoài của Hệ Mặt trời đi về phía Trái đất và Mặt trời. Những tiểu hành tinh đến từ "phía sau", tiến về phía Trái đất từ ​​hướng của Mặt trời và đi ra ngoài rất khó để phát hiện, đặc biệt là khi những tiểu hành tinh này có xu hướng tiếp cận Trái đất vào ban ngày. 

Một tiểu hành tinh bay sát Trái đất. Ảnh: NASA/JPL

Nhìn chung, thời gian tốt nhất để phát hiện những vật thể trong không gian giữa Trái đất và Mặt trời, ví dụ các hành tinh sao Thủy và sao Kim, là vào lúc chạng vạng.

Theo EarthSky, tiểu hành tinh bay ngang qua ở khoảng cách rất gần, bằng một nửa khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng. 2021 SG đến gần Trái đất nhất vào khoảng 16h28, ngày 16.9, giờ EST (tức 3h28 sáng 17.9, giờ Hà Nội). Tiểu hành tinh mới nhất bay qua Trái đất ở khu vực trên Greenland và Canada.

2021 SG có kích thước lớn và tốc độ di chuyển tới 85.748km/h (khoảng 23,8 km/giây), do đó tiểu hành tinh này chắc chắn có thể gây ra tác động lớn nếu lao xuống Trái đất. 

Để so sánh, vụ va chạm tiểu hành tinh lớn gần đây nhất là vào tháng 2.2013 ở Chelyabinsk, Nga. Tiểu hành tinh phát nổ trên không trung ở khoảng cách 17m, không gây ra thương vong trực tiếp nhưng làn sóng xung kích từ vụ nổ đã làm vỡ các cửa sổ ở 6 thành phố khác nhau của Nga và khiến 1.500 người cần được chăm sóc y tế.

Với kích thước lớn hơn tiểu hành tinh năm 2013, khó có thể ước tính được sự tàn phá mà 2021 SG có thể gây ra trong trường hợp lao xuống Trái đất nhưng chắc chắn sẽ tồi tệ hơn nhiều. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn