MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 2 năm 2018. Ảnh: AFP

Tìm cách cứu vãn quan hệ liên Triều

Song Minh LDO | 12/06/2020 08:25

Hàn Quốc tuyên bố sẽ thực hiện đầy đủ thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự với Triều Tiên bất chấp Bình Nhưỡng doạ huỷ bỏ. Tuyên bố mới nhất hôm 10.6 của Seoul được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng liên Triều nóng lên sau khi Bình Nhưỡng cắt đường dây liên lạc được thiết lập cách đây 2 năm giữa 2 nhà lãnh đạo Hàn-Triều.

Tuân thủ thoả thuận

Trong cuộc họp của các chỉ huy hàng đầu do Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo chủ trì ngày 10.6, các quan chức cho biết thỏa thuận quân sự được ký tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 19.9.2018 đã “góp phần cụ thể và thực tế” vào việc giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. “Bất chấp những khó khăn gần đây trong quan hệ liên Triều, quân đội của chúng tôi đã quyết định thực hiện đầy đủ thỏa thuận quân sự ngày 19.9 để tiếp tục nỗ lực thực hiện giảm căng thẳng quân sự, ủng hộ chính sách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tiến trình hòa bình” - Yonhap dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

Tuần trước, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dọa hủy bỏ thỏa thuận và tạm dừng các dự án xuyên biên giới khác để đáp trả việc Seoul không thể ngăn chặn các nhà hoạt động rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Ngày 9.6, viện dẫn chiến dịch rải truyền đơn, Triều Tiên cắt mọi đường dây liên lạc với Hàn Quốc, từ chối trả lời các cuộc điện thoại của Seoul thông qua đường dây nóng liên lạc và quân sự, đồng thời cho biết đang thực hiện các “kế hoạch theo giai đoạn” để đối phó với Hàn Quốc như “kẻ thù”.

Đề cập đến các vụ phóng và cảnh báo tên lửa gần đây của Triều Tiên, Bộ trưởng Jeong Kyeong-doo cho biết Bình Nhưỡng đang đổ lỗi cho Seoul vì mối quan hệ liên Triều căng thẳng trong khi chính Bình Nhưỡng là bên gây căng thẳng trên bán đảo. “Triều Tiên đang chỉ trích các cuộc tập trận quân sự thường xuyên và xây dựng quốc phòng của chúng tôi, đổ lỗi cho chúng tôi về quan hệ căng thẳng. Xem xét hoàn cảnh hiện tại của Triều Tiên, tôi đặc biệt nhấn mạnh tư thế sẵn sàng của quân đội để đáp ứng hoàn hảo mọi tình huống bất ngờ” - Bộ trưởng nói, bổ sung rằng Hàn Quốc và Mỹ đang duy trì một tư thế phòng thủ chung mạnh mẽ. Trong khi đó, Mỹ bày tỏ thất vọng trước động thái của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 9.6 kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại con đường ngoại giao và hợp tác.

Thế khó của Tổng thống Moon Jae-in

Văn phòng của Tổng thống Moon Jae-in hôm 9.6 từ chối đưa ra tuyên bố riêng về động thái của Triều Tiên. “Chính phủ đã thể hiện quan điểm của mình (về vấn đề này) thông qua Bộ Thống nhất và Cheong Wa Dae (Văn phòng Tổng thống - Nhà Xanh) không có kế hoạch đưa ra tuyên bố riêng” - một quan chức Nhà Xanh phát biểu với báo giới. Ông cũng cho biết Hội đồng An ninh quốc gia chưa triệu tập phiên họp riêng.

Trả lời câu hỏi về tần suất sử dụng đường dây nóng được thành lập vào năm 2018 giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, quan chức Nhà Xanh nói rằng “rất khó” để xác nhận vấn đề liên quan đến “liên lạc giữa các nhà lãnh đạo 2 miền”.

Khi đường dây nóng được thiết lập, Nhà Xanh cho biết các quan chức cấp chuyên viên của 2 bên đã có một cuộc gọi ngắn gọn để kiểm tra. Nhưng không có thông báo nào về việc ông Moon Jae-in và Kim Jong-un từng nói chuyện với nhau qua đường dây điện thoại trực tiếp. Vì vậy, đường dây này được nhiều người coi chủ yếu là mang tính biểu tượng.

Tổng thống Moon Jae-in đóng vai trò nòng cốt trong việc khởi xướng tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đang bị đình trệ. Ông tuyên bố sẽ công khai thúc đẩy cải thiện quan hệ Seoul-Bình Nhưỡng và nối lại các dự án chung mặc dù không có tiến triển nào trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa có sự tham gia của Washington. Nỗ lực này từng được Hàn Quốc đề cập năm 2018 song Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo rằng, Seoul không được làm bất kỳ điều gì liên quan đến các lệnh trừng phạt mà không có sự đồng ý của Mỹ.

Theo Bloomberg, thế khó hiện nay của ông Moon Jae-in là ông không thể đáp ứng nhiều yêu cầu của Triều Tiên nếu không có sự nhất trí từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump - vốn luôn từ chối lời kêu gọi của Seoul để giảm bớt các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Mỹ cũng từ chối nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên nếu không nhận được sự cam kết lớn hơn về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn