MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xác ướp Ai Cập được ướp xác khi đang mang thai. Ảnh: Dự án xác ướp Warsaw

Tìm ra lý do ít phát hiện xác ướp Ai Cập có bào thai

Hải Anh LDO | 08/01/2022 19:24
Quan sát xác ướp Ai Cập có bào thai đầu tiên, các nhà khoa học của Dự án xác ướp Warsaw đã tìm ra nguyên nhân ít phát hiện những xác ướp mang thai trước đây.

Nhà khoa học thuộc Dự án Xác ướp Warsaw, ông Wojciech Ejsmond, chia sẻ với Insider ngày 7.1 rằng, việc ít phát hiện các xác ướp mang thai là điều dường như khá kỳ lạ. 

“Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể không mang thai liên tục nhưng cứ sau vài năm họ có thể có thai" - ông lưu ý. Tuy nhiên, không có bằng chứng về những phụ nữ mang thai chết được ướp xác. 

Bộ xương thai nhi - cách thông thường để phát hiện một em bé đang phát triển trong bụng mẹ trong trường hợp này - không bao giờ xuất hiện trên chụp X-quang. Do vậy, các nhà khoa học cần phát triển một công nghệ không tìm kiếm xương.

Ảnh chụp xác ướp, với phần mô mềm được xác định là bào thai được tô màu đỏ. Ảnh: Dự án xác ướp Warsaw

"Các bác sĩ X-quang đang tìm kiếm xương và trong trường hợp này chúng tôi cho rằng không nên tìm xương mà nên tìm kiếm các mô mềm có hình dạng độc đáo" - ông nói. 

Trước đó, trong lá thư công bố ngày 30.12.2021 trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết về lý do bào thai không thể xuất hiện trong các bản chụp X-quang xác ướp. Về cơ bản, bào thai trong xác ướp đã tiêu biến. 

“Nó giống thí nghiệm đặt một quả trứng, vỏ trứng tan biến chỉ để lại lòng trứng. Khi axit bay hơi, sẽ chỉ còn một cái nồi với trứng đã bị khoáng chất bao phủ" - ông nói. Điều tương tự có khả năng đã xảy ra trong cơ thể của xác ướp.

Khi cơ thể phân hủy, xác ướp bắt đầu axit hóa một cách tự nhiên. “Axit formic xuất hiện trong máu, làm cho môi trường trong cơ thể có nhiều axit hơn" - ông Ejsmond nói. 

Khi môi trường axit đó tác động tới bào thai, xương hầu như tan hết.

Các nhà khoa học đặt ra giả thuyết là tàn tích từ phản ứng hóa học  là một loạt các khoáng chất, rải rác trong nước sót lại trong tử cung. Điều này khiến bào thai nhỏ bé trong xác ướp hầu như không thể quan sát được qua các máy quét tia X.

Hình ảnh tái tạo 3D từ quá trình quét xác ướp cho thấy mô mềm được cho là bào thai bên trong xác ướp Ai Cập. Ảnh: Dự án xác ướp Warsaw

Nhưng tại sao sau đó xương của xác ướp của bà mẹ lại không tan? Lý giải cho điều này, các nhà khoa học nhận định, trong quá trình ướp xác, cơ thể đã được bao phủ bằng muối natron để làm khô cơ thể. Ông Ejsmond nói rằng, quá trình này khiến các khoáng chất được làm khô tại chỗ và xương vẫn có thể quan sát được. 

Cho đến nay, xác ướp Ai Cập được Dự án Xác ướp Warsaw nghiên cứu được xem là xác ướp Ai Cập duy nhất mang thai. “Nhưng nghiên cứu sâu hơn có thể cho thấy xác ướp mang thai phổ biến hơn chúng ta nghĩ” - ông Ejsmond nói.

Xác ướp Ai Cập có bào thai được phát hiện năm 2021. Ảnh: Học viện Khoa học Ba Lan

Tháng 4.2021, xác ướp Ai Cập cổ đại được cho là một thầy tu nam giới đã được các nhà khảo cổ học Ba Lan xem xét và sửng sốt phát hiện là xác ướp của một phụ nữ đã mang thai 7 tháng. Các nhà khoa học vào thời điểm đó cho hay, đây là trường hợp được biết đến đầu tiên trên thế giới về xác ướp phụ nữ mang thai được bảo quản tốt như vậy. Xác ướp Ai Cập này được đưa đến Warsaw năm 1826. Dòng chữ trên quan tài có tên một thầy tu nam giới. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn