MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mảnh vỡ thiên thạch 2018 LA ở Botswana. Ảnh: Viện SETI.

Tìm ra nguồn gốc của thiên thạch rơi xuống trái đất

Thanh Hà LDO | 27/04/2021 12:00
Thiên thạch rơi xuống trái đất mùa hè năm 2018 tại sa mạc Kalahari của Botswana đã được các nhà khoa học lần ra nguồn gốc.

Thiên thạch được quan sát trước khi rơi xuống trái đất

Thiên thạch nhỏ có tên 2018 LA, được quan sát lần đầu tiên qua kính thiên văn tại Catalina Sky Survey, Đại học Arizona, Mỹ, theo thông cáo từ viện SETI, Mỹ.

"Đây là lần thứ hai chúng tôi phát hiện một thiên thạch trong không gian vũ trụ trước khi nó va vào trái đất trên đất liền. Lần đầu tiên là tiểu hành tinh 2008 TC3 ở Sudan 10 năm trước đó" - Peter Jenniskens, nhà thiên văn học sao băng của Viện SETI, cho biết.

Chỉ vài giờ sau khi được các nhà thiên văn học phát hiện, 2018 LA đã rơi xuống Botswana. Đáng chú ý, kính thiên văn SkyMapper tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã ghi lại những khoảnh khắc ngay trước khi thiên thạch xuyên qua bầu khí quyển của trái đất. Cảnh quay camera CCTV đã ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng về thiên thạch phát nổ.

Dựa trên những quan sát thiên văn sẵn có, nhóm các nhà khoa học quốc tế đã xác định chính xác khu vực nơi thiên thạch có khả năng bị phá hủy, phân tán các mảnh thiên thể trên mặt đất. Khu vực này tình cờ nằm ​​trong khu bảo tồn Kalahari, công viên quốc gia ở sa mạc Kalahari.

Lộ trình di chuyển trong không gian vũ trụ của thiên thạch 2018 LA. Ảnh: Viện SETI.

Mohutsiwa Gabadirwe, nhà khoa học địa chất tại Viện Khoa học Địa chất Botswana (BGI) ở Lobatse, cho biết: “Thiên thạch được đặt tên là "Motopi Pan" theo tên một hố nước địa phương".

Sau một số chuyến thám hiểm thực địa trong công viên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra 23 mảnh vỡ của thiên thạch Motopi Pan. Sau đó, các nhà khoa học phân tích các đồng vị, hoặc các phiên bản của các nguyên tố có số lượng neutron khác nhau, trong các bit thiên thạch. Những đồng vị này gợi ý về thành phần hóa học và kích thước ban đầu của thiên thạch trước khi xuyên qua bầu khí quyển rơi xuống trái đất.

Thiên thạch có nguồn gốc từ Vesta

Thiên thạch 2018 LA ban đầu đo được đường kính khoảng 1,5 mét và đã di chuyển nhanh trong không gian vũ trụ trong khoảng 22 đến 23 triệu năm trước khi rơi xuống trái đất, nhóm nghiên cứu xác định. Theo tuyên bố của ANU, thiên thạch đã di chuyển với tốc độ khoảng 60.000 km/h trước khi đi vào bầu khí quyển của trái đất.

Phân tích sâu hơn về các mảnh đá cho thấy chúng gần giống với một nhóm thiên thạch khác có tên Sariçiçek rơi ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015.

Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ (AMNH), cả 2 bộ thiên thạch này đều được phân loại là thiên thạch howardite-eucrite-diogenite (HED) - loại thiên thạch duy nhất có nguồn gốc từ Vesta, tiểu hành tinh lớn thứ hai trong hệ mặt trời. Các mảnh eucrite trong thiên thạch HED chứa dung nham cứng từ bề mặt tiểu hành tinh Vesta; diogenite chứa các khoáng chất từ ​​đá bị chôn vùi dưới bề mặt của tiểu hành tinh; và howardite là sự pha trộn độc đáo của hai loại đá khác, được hình thành khi các vật thể va chạm với tiểu hành tinh Vesta.

“Những vật chất lâu đời nhất được biết đến được phát hiện ở cả Vesta và trong thiên thạch là hạt zircon có niên đại hơn 4,5 tỉ năm trước, trong giai đoạn đầu của hệ mặt trời" - Christopher Onken, nhà khoa học của Dự án SkyMapper của ANU, cho hay. Các nhà nghiên cứu phát hiện quỹ đạo mà thiên thạch 2018 LA đã đi quanh trái đất cũng chỉ ra Vesta là nơi xuất phát.

Tuy nhiên, mặc dù đều là thiên thạch HED, Motopi Pan và Sariçiçek có một số điểm khác biệt. Ví dụ, nhóm nghiên cứu ước tính vật chất trong cả hai thiên thạch có khả năng đông đặc trên bề mặt của Vesta khoảng 4,563 tỉ năm trước, nhưng các hạt phosphate ở thiên thạch Motopi Pan cho thấy bằng chứng về sự tan chảy trong lịch sử gần đây hơn, trong khi Sariçiçek không mang những dấu hiệu này.

Nhóm nghiên cứu kết luận, điều này chỉ ra rằng thiên thạch Motopi Pan hình thành gần trung tâm của một sự kiện va chạm lớn diễn ra khoảng 4,324 tỉ năm trước. Các nhà khoa học đặt nghi vấn rằng sự kiện tương tự đã tạo thành một vết lõm khổng lồ, được gọi là hố va chạm Veneneia, trên bề mặt của tiểu hành tinh Vesta.

Phát hiện về nguồn gốc thiên thạch rơi xuống trái đất này đã được nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí Meteoritics and Planetary Science.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn