MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kính thiên văn Hubble phát hiện chuẩn tinh đôi ở các thiên hà hợp nhất trong vũ trụ. Ảnh minh họa. Ảnh: NASA

Tìm thấy cấu trúc quay lớn nhất trong vũ trụ

Thanh Hà LDO | 15/06/2021 11:30
Các tua của thiên hà dài tới hàng trăm triệu năm ánh sáng có thể là cấu trúc quay lớn nhất trong vũ trụ.

Các thiên thể thường quay, từ hành tinh đến ngôi sao đến thiên hà. Tuy nhiên, các cụm thiên hà khổng lồ thường quay rất chậm, và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là kết thúc sự quay trên quy mô vũ trụ, đồng tác giả nghiên cứu Noam Libeskind - nhà vũ trụ học tại Viện Vật lý Thiên văn Leibniz Potsdam ở Đức, chia sẻ với Space.com.

Nhà vũ trụ học Libeskind và đồng nghiệp phát hiện trong nghiên cứu mới rằng các sợi vũ trụ hoặc các ống khổng lồ được tạo thành từ các thiên hà, dường như quay.

“Có những cấu trúc rộng lớn đến nỗi toàn bộ các thiên hà chỉ là những hạt bụi. Những sợi khổng lồ này lớn hơn rất nhiều so với các cụm thiên hà" - Libeskind nói.

Các nghiên cứu trước đây cho rằng, sau khi vũ trụ được sinh ra trong Vụ nổ Lớn (Big Bang) khoảng 13,8 tỉ năm trước, phần lớn khí tạo thành hầu hết các vật chất đã biết trong vũ trụ sụp đổ tạo thành các tấm khổng lồ. Sau đó, những tấm này bị vỡ ra thành các sợi của mạng vũ trụ rộng lớn.

Minh họa một sợi vũ trụ đang quay. Ảnh: Viện Vật lý Thiên văn Leibniz Potsdam

Dùng dữ liệu từ Khảo sát Bầu trời Kỹ thuật số Sloan, các nhà khoa học kiểm tra hơn 17.000 sợi vũ trụ, phân tích vận tốc mà các thiên hà tạo thành những ống khổng lồ này di chuyển trong mỗi tua. Các nhà nghiên cứu nhận thấy cách những thiên hà này di chuyển cho thấy chúng đang quay quanh trục trung tâm của mỗi sợi.

Các thiên hà quay xung quanh trung tâm rỗng của những tua này ở tốc độ quay nhanh nhất mà các nhà nghiên cứu quan sát được là 360.000km/h. Các nhà khoa học lưu ý, không phải mọi sợi trong vũ trụ đều quay, nhưng những sợi quay này dường như thực sự tồn tại.

Nhà vũ trụ học Libeskind lưu ý, câu hỏi lớn đặt ra là tại sao cấu trúc khổng lồ này lại quay? Vụ nổ Big Bang không mang lại cho vũ trụ bất kỳ vòng quay nguyên thủy nào. Do đó, bất cứ điều gì khiến những sợi vũ trụ này quay đều phải có nguồn gốc sau này trong lịch sử khi hình thành các cấu trúc, ông nói.

Lời giải thích khả thi cho việc các cấu trúc vũ trụ khổng lồ này quay là do trường hấp dẫn mạnh của các sợi kéo khí, bụi và các vật chất khác bên trong chúng nhau, các lực cắt được tạo ra có thể đã làm vật liệu này bị xoắn lại. Tuy nhiên, hiện tại, "chúng tôi không thực sự chắc chắn điều gì có thể gây ra mômen xoắn trên quy mô này" - nhà vũ trụ học Libeskind nói.

Giới thiên văn học đang tìm cách tìm hiểu nguồn gốc các tua thiên hà quay thông qua mô phỏng máy tính. Nhóm nghiên cứu trình bày chi tiết phát hiện về cấu trúc quay khổng lồ trong vũ trụ trên tạp chí Nature Astronomy ngày 14.6.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn