MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình minh họa mô tả cá sấu thời tiền sử đi bằng 2 chân. Ảnh: Đại học Queensland.

Tìm thấy dấu tích chứng minh cá sấu thời tiền sử đi bằng 2 chân

Hải Anh LDO | 12/06/2020 11:02
Các dấu chân cổ xưa in trên đá ở Hàn Quốc có khả năng thuộc về một loài cá sấu thời tiền sử đi bằng 2 chân, các nhà cổ sinh vật học cho biết.

Đây là lần đầu tiên dáng đi này được phát hiện ở loài cá sấu cổ đại vốn có dáng đi điển hình bằng 4 chân như cá sấu thời hiện đại. 

Những dấu chân được bảo quản trong tình trạng tốt có kích cỡ từ 18cm tới 24cm cho thấy những con cá sấu thời tiền sử có thể có chiều dài cơ thể lên tới 3m. 

"Các lối vết chân hóa thạch hoàn toàn được hình thành từ các chi sau, với các dấu hiệu rõ ràng từ gót chân tới ngón chân và vết da ở một số vị trí" - theo nghiên cứu được công bố hôm 11.6 trên tạp chí Scientific Reports. 

Những dấu chân hóa thạch bí ẩn tương tự được tìm thấy tại các địa điểm khác ở Hàn Quốc trước đây từng được cho là thuộc về loài thằn lằn bay khổng lồ - một loài bò sát bay thời tiền sử - khi chúng đi bộ bằng 2 chân. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Hàn Quốc và Mỹ khẳng định, những vết chân này có khả năng thuộc về loài cá sấu cổ đại được đặt tên là Batrachopus grandis. Và phát hiện mới này của các nhà nghiên cứu ủng hộ cho quan điểm thường thấy trong giới cổ sinh vật học là thằn lằn bay đi bộ bằng 4 chân. 

Cá sấu thời tiền sử Batrachopus grandis được cho là sống cách đây hơn 100 triệu năm trong thời kỳ đầu kỷ Phấn trắng, chủ yếu sống trên đất liền chứ không phải ở dưới nước như cá sấu hiện nay. Có thể con cá sấu thời tiền sử này chủ yếu đi bằng 2 chân nhưng cũng có khả năng đi lại bằng cả 4 chân. 

CNN lưu ý, không có con cá sấu tiền sử 2 chân nào được tìm thấy từ thời kỳ này dù nghiên cứu nói rằng những con cá sấu đi bằng 2 chân có thể đã xuất hiện trên trái đất sớm hơn nhiều trong Đại Trung sinh, bắt đầu khoảng 250 triệu năm trước. 

Trước khi đi đến kết luận, các nhà cổ sinh vật học đã tranh luận về việc liệu các dấu chân của những con cá sấu này hình thành khi chúng đi bộ trên mặt đất hay khi chúng bơi và tạo ra dấu vết.

"Chúng tôi đã loại trừ khả năng bơi bởi các đường đi rất đều đặn. Những con cá sấu hiện đại đôi khi dùng chân sau để đẩy đi theo nhưng các dấu vết không đều không hoàn chỉnh, bị rửa trôi..." - Martin Lockley, nhà cổ sinh vật học và giáo sư Đại học Colorado, Mỹ, tác giả của nghiên cứu nói. 

Các nhà nghiên cứu khẳng định, sự vắng bóng nhất quán của các dấu chân của chi trước cùng các lối đi hẹp cho thấy các sinh vật mới phát hiện này đi bằng 2 chân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn