MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu Haixun 01 của Trung Quốc tham gia tìm kiếm MH370 ngày 5.4.2014. Ảnh: Xinhua

Tín hiệu 6 giây mở ra hy vọng tìm thấy MH370

Khánh Minh LDO | 24/06/2024 07:07

Cuộc tìm kiếm MH370 có thể sớm được hồi sinh sau khi các chuyên gia phát hiện tín hiệu 6 giây quan trọng có thể giải mã bí ẩn máy bay mất tích.

Tờ New Straits Times đưa tin, khi các tín hiệu mới có khả năng liên quan đến vụ mất tích máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines xuất hiện, một chuyên gia đã kêu gọi thành lập nhóm đánh giá lại việc tìm kiếm vị trí cuối cùng của máy bay.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mohd Harridon Mohamed Suffian của Viện Công nghệ Hàng không Malaysia, Đại học Kuala Lumpur, người đứng đầu bộ phận tìm kiếm và cứu nạn hàng không, là người đưa ra lời kêu gọi trên.

Ông nói: “Đây sẽ là bước đi thận trọng vì nó có thể thiết lập các phương pháp phù hợp để nâng cao kết quả nghiên cứu”.

Lời kêu gọi tiếp tục tìm kiếm MH370 được đưa ra sau những phát hiện gần đây của một nhóm nghiên cứu từ Đại học Cardiff, Anh.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện tín hiệu dài 6 giây được ghi lại vào khoảng thời gian MH370 biến mất trên màn hình radar. Tín hiệu được ghi lại bằng hydrophone - một loại micro dưới nước được sử dụng bởi các trạm thủy âm trên khắp thế giới để ghi lại tín hiệu âm thanh dưới nước.

Tín hiệu dài 6 giây đã được ghi lại ở Cape Leeuwin, Tây Australia - một trong hai trạm thu được tín hiệu ngay sau lần liên lạc radar cuối cùng của MH370.

Những chiếc hydrophone này đã ghi lại các tín hiệu vào khoảng thời gian máy bay MH370 được cho là bị rơi.

"Nghiên cứu gần đây của Đại học Cardiff đã nêu bật một số chi tiết liên quan đến MH370 nhưng có một số điểm gây tranh cãi. Chúng tôi cần phải giải quyết các yếu tố này trước khi tiếp tục tìm kiếm” - ông Harridon nói.

Mặc dù nghiên cứu của Đại học Cardiff không xác định chính xác vị trí của MH370 nhưng nó đã xác định được tín hiệu âm thanh có thể được tạo ra do máy bay va chạm với nước.

Thân nhân của hành khách MH370 cầm mảnh vỡ nghi của MH370 ở Putrajaya, Malaysia, ngày 30.11.2018. Ảnh: Xinhua

Theo nghiên cứu, để phân tích sâu hơn về tín hiệu âm thanh, các vụ nổ có kiểm soát dọc theo "vòng cung thứ 7" (được ngầm hiểu là một vị trí rơi trong phạm vi 120km từ vị trí ước tính cuối cùng của MH370 ở Ấn Độ Dương) có thể giúp xác định nguồn gốc, tương tự như các vụ nổ được thực hiện đối với tàu ngầm ARA San Juan của Argentina. ARA San Juan bị mất tích vào tháng 11.2017 và tín hiệu dưới nước cuối cùng đã giúp tìm thấy tàu ngầm.

Ông Harridon ủng hộ việc tập hợp các chuyên gia để xây dựng kế hoạch tìm kiếm dựa trên nghiên cứu của Đại học Cardiff.

"Có lẽ điều hợp lý là nên chú ý đến các khuyến nghị về việc thực hiện các thử nghiệm thực địa để xác minh và xác nhận thêm tín hiệu âm thanh về tác động của MH370. Điều này là khôn ngoan vì chúng ta sẽ tham gia vào một nghiên cứu có phương pháp toán học thay vì tiến hành một cuộc tìm kiếm không manh mối" - ông nói.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke cho biết Ocean Infinity - công ty đề xuất nối lại cuộc tìm kiếm MH370 - có tính đến đầu mối mới này. Đề xuất đang được Bộ xem xét trước khi trình lên Nội các.

Trong khi đó, nhà khảo sát thủy văn và cựu sĩ quan chỉ huy tàu khảo sát thủy văn KD Perantau của Hải quân Hoàng gia Malaysia, ông Kamaruddin Yusoff đề xuất tích hợp manh mối mới với dữ liệu hiện có, để vạch ra các khu vực có thể thực hiện tìm kiếm chi tiết.

Chuyến bay MH370 biến mất vào ngày 8.3.2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) đi Bắc Kinh (Trung Quốc). Mặc dù hoạt động tìm kiếm đa quốc gia trải rộng trên 120.000km2 nhưng không đem lại kết quả nào và việc tìm kiếm MH370 đã bị dừng vào năm 2017.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn