MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Carlos Kuriyama, Giám đốc Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC. Ảnh: Apec.org

Tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế trong APEC

Khánh Minh LDO | 14/11/2023 07:48

Tăng trưởng kinh tế trong khu vực APEC đang có dấu hiệu cải thiện, với mức tăng trưởng dự kiến là 3,3% vào năm 2023, so với 2,6% vào năm 2022.

Theo báo cáo Phân tích Xu hướng Khu vực Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mới nhất do Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC công bố, sự phục hồi của du lịch và tiêu dùng nội địa đang thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch, lạm phát, nợ cao hơn, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị và sự phân mảnh kinh tế vẫn làm lu mờ triển vọng.

Carlos Kuriyama - Giám đốc Đơn vị Hỗ trợ Chính sách APEC - cho biết, có những dấu hiệu đầy hứa hẹn ở APEC, nhưng không loại trừ những rủi ro suy thoái.

Ông Kuriyama nói thêm: “Tăng trưởng kinh tế trong khu vực vẫn không đồng đều mặc dù chúng tôi đang hướng tới mức tăng trưởng kinh tế ổn định hơn trong những năm tới”.

Lạm phát giảm xuống 3,4% vào tháng 9 năm 2023, so với mức 6,6% được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo ghi nhận sự gia tăng lạm phát trong những tháng gần đây và cảnh báo rằng lạm phát có thể làm trầm trọng thêm nền kinh tế khu vực, đặc biệt là do các hạn chế xuất khẩu, các vấn đề với chuỗi cung ứng phân bón và điều kiện thời tiết đang ảnh hưởng đến một số sản phẩm nông nghiệp.

Rhea C. Hernando, nhà phân tích của Đơn vị Hỗ trợ Chính sách và đồng tác giả của báo cáo, cho hay, để chống lại tình trạng lạm phát dai dẳng, nhiều nền kinh tế APEC đã thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra các quyết định tiền tệ nhằm quản lý kỳ vọng.

Báo cáo cũng lưu ý, các chính phủ cần duy trì sự thận trọng về tài chính với chi tiêu có mục tiêu để bảo vệ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương và xây dựng lại vùng đệm tài chính.

“Lạm phát cao không chỉ khiến chi phí sinh hoạt cao hơn mà còn dẫn đến lãi suất tăng và sự bất ổn tăng lên, ảnh hưởng đến đầu tư và tiêu dùng, cũng như tính bền vững của các khoản nợ. Ngược lại, những điều này có thể làm suy yếu quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch” - Hernando nói thêm.

Do môi trường tiền tệ thắt chặt hơn trong khu vực, thương mại đã bị suy giảm trong nửa đầu năm 2023, với khối lượng và giá trị xuất khẩu giảm lần lượt xuống âm 3,5% và âm 7,1%.

Áp lực lạm phát và chi phí tài chính thương mại cao hơn cộng với những bất ổn toàn cầu đã khiến thương mại trong khu vực trì trệ.

Glacer Nino A. Vasquez, nhà nghiên cứu của Đơn vị Hỗ trợ Chính sách và đồng tác giả báo cáo cho hay, xuất khẩu và nhập khẩu thương mại hàng hóa dự kiến sẽ tăng nhẹ lần lượt 0,1% và 0,3% vào năm 2023, với dự báo tăng trưởng lạc quan hơn về thương mại hàng hóa vào năm 2024 và 2025 ở mức 4,3 đến 4,4%.

Báo cáo nhấn mạnh thêm, tương lai thương mại trong APEC bị che mờ bởi sự phân mảnh về địa kinh tế và sự tích tụ các biện pháp hạn chế thương mại, bao gồm cả các biện pháp phòng vệ thương mại.

Sự thay đổi nhân khẩu học cũng sẽ đặt ra thách thức đối với nền kinh tế khu vực khi dân số ngày càng già đi và tỉ lệ sinh đang giảm. Điều này có nghĩa là người lao động sẽ phải đối mặt với gánh nặng lớn hơn trong việc hỗ trợ dân số già ngày càng tăng.

Kuriyama kết luận: “Sự phối hợp đa phương vẫn rất quan trọng để giải quyết chủ nghĩa bảo hộ thương mại, nợ gia tăng, biến đổi khí hậu, chuyển đổi nền kinh tế xanh và gián đoạn chuỗi cung ứng. Hợp tác cũng rất quan trọng để giải quyết những thách thức phức tạp mà khu vực APEC đang phải đối mặt”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn