MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lo ngại con sên hồng sẽ không còn tồn tại sau cháy rừng ở Australia. Tuy nhiên, giờ chúng vẫn sống sót. Ảnh: CNN

Tín hiệu tốt lành từ con ốc sên sống sót sau thảm họa cháy rừng Australia

HỒNG HẠNH LDO | 04/02/2020 18:56
Một loài sên màu hồng sáng, chỉ được tìm thấy trên một ngọn núi ở Australia, đã sống sót sau những vụ cháy rừng tàn khốc.

Sinh vật độc đáo, bắt mắt này chỉ sống trên sườn của ngọn núi lửa Kaputar đã tắt ở bang New South Wales. Từ đó, con sên được lấy theo tên của ngọn núi này.

Trong một bài đăng trên Facebook của Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã và công viên quốc gia New South Wales, sau trận mưa, các kiểm lâm viên đã tìm thấy khoảng 60 con sên núi Kaputar còn sống.

Sự sống sót của loài sên núi Kaputar được phát hiện sau khi các nhà sinh thái học ở Đại học Sydney ước tính khoảng nửa tỉ động vật ở New South Wales đã bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng.

Bài đăng trên Facebook nói thêm, đã có những lo ngại cho loài độc lạ này sau khi các đám cháy ảnh hưởng đến phần lớn môi trường sống trên núi cao. 

"Chúng có thể không dễ thương như gấu túi, nhưng loài này cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của nó", CNN trích từ bài đăng trên Facebook của Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã.

Sên núi Kaputar có kích thước 20 centimet. Các nhà nghiên cứu trước đây nghĩ nó là một biến thể của loài sên tam giác đỏ cũng được tìm thấy ở bang New South Wales.

Những con sên chưa bao giờ được phát hiện ở bất cứ nơi nào ngoài khu vực đỉnh núi Kaputar, nằm ở phía đông bắc của bang. Tác động của vụ phun trào núi lửa trên ngọn núi 17 triệu năm trước đây đã khiến khu vực đỉnh núi nhỏ ẩm ướt và nhiều cây xanh. Trong khi các khu vực khác của Australia chuyển sang điều kiện khô cằn như sa mạc, có nghĩa là những động vật sống trên đỉnh núi bị hôn mê hàng triệu năm.

Tuy nhiên, những loài này đang bị đe dọa - bao gồm cả loài sên màu hồng - được liệt kê có nguy cơ tuyệt chủng trong Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN). Theo IUCN, môi trường sống của chúng ở độ cao dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và có thể co lại khi nhiệt độ tăng. 

Frank Kohler, nhà khoa học nghiên cứu tại bảo tàng Australia nói với CNN, vườn quốc gia núi Kaputar là nơi sinh sống của khoảng 20 loài sên và ốc sên đặc hữu đang bị đe dọa.

Ông Kohler nói: "Đây là tin tốt lành khi họ nhìn thấy những con sên này. Chúng mang lại hy vọng có thể tác động của một số đám cháy không lớn như chúng tôi nghĩ".

Nói về những con sên, ông Kohler cho biết, chúng giống như những loài khác, tiến hóa để đối phó với lửa. Trong trường hợp nguy hiểm, chúng sẽ tự chui vào các kẽ hở để bảo vệ như khe đá. Nguồn thực phẩm chính của chúng là nấm và địa y.

Công viên quốc gia núi Kaputar hiện đang đóng cửa do thiệt hại của cháy rừng gây ra. 

Kể từ khi mùa cháy bắt đầu, những vùng đất rộng lớn của Australia đã bị tàn phá bởi những trận cháy rừng tồi tệ.

Hàng triệu mẫu đất bị phá hủy. Bang New South Wales chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy.

Các nhà sinh thái học tại Đại học Sydney ước tính hơn 1 tỉ động vật bị ảnh hưởng trên khắp Australia. Con số đó có thể còn cao hơn trong thực tế bởi những ước tính này không bao gồm côn trùng, ếch và các động vật không xương sống khác.

"Đó là một sự kiện khủng khiếp về mặt địa lí và số lượng động vật bị ảnh hưởng", nhà sinh thái học Christopher Dickman của Đại học Sydney thông tin. "Những sự kiện như thế này có thể thúc đẩy quá trình tuyệt chủng của một loạt các loài khác. Vì vậy, đây là điều rất buồn".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn