MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Loài người có khả năng tiến hoá nhanh hơn nếu sống trên sao Hoả. Ảnh minh hoạ: NASA

Tin vũ trụ nóng nhất tuần: Khả năng tiến hóa của loài người trên sao Hỏa

Song Minh LDO | 10/10/2021 15:17
Tin vũ trụ nóng nhất tuần qua: Khả năng tiến hóa của loài người trên sao Hỏa; Kính Hubble của NASA phát hiện ''con mắt'' ảo diệu trong vũ trụ; Tàu vũ trụ NASA sẽ lao thẳng vào tiểu hành tinh gần Trái đất...

Khám phá sửng sốt về khả năng tiến hóa loài người trên sao Hỏa

Việc con người chinh phục bầu khí quyển khắc nghiệt và kỳ lạ trên sao Hỏa (nếu đạt được) có thể đẩy nhanh quá trình tiến hóa loài người - Môi trường sao Hỏa khác biệt sẽ tạo ra sự chọn lọc tự nhiên mạnh mẽ - theo Scott Solomon, nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Rice ở Houston, Texas, Mỹ.

Sao Hỏa nằm cách Trái đất từ 56,3 triệu km đến 400,7 triệu km do quỹ đạo hình elip của các hành tinh, và loài người vẫn phải đối mặt với một số trở ngại trước khi có thể đến được hành tinh đỏ. Nhưng nếu chúng ta đến sao Hỏa và thiết lập một khu dân cư thường trú, các yếu tố như bức xạ tương đối cao hơn, trọng lực thấp hơn và sự thay đổi lớn trong lối sống có thể thúc đẩy những thay đổi tiến hóa loài người đáng kể - nhanh hơn nhiều so với những thay đổi xảy ra trên hành tinh Trái đất của chúng ta.

Kính Hubble của NASA phát hiện ''con mắt'' ảo diệu trong vũ trụ

Kính viễn vọng Hubble của NASA ghi lại được hình ảnh tuyệt đẹp về một thiên hà hình dạng con mắt tuyệt đẹp trong vũ trụ.

Thiên hà xoắn ốc NGC 5728 qua Kính viễn vọng Không gian Hubble của NASA. Ảnh: ESA

''Con mắt'' trong hình ảnh chính là thiên hà xoắn ốc NGC 5728 với phần con ngươi là trung tâm của thiên hà. Cấu trúc này nằm cách Trái đất 130 triệu năm ánh sáng, thuộc chòm sao Thiên Bình và mang nhiều đặc điểm độc đáo trong vũ trụ nhờ vào hoạt động ở trung tâm.

NGC 5728 là một thiên hà Seyfert, có nghĩa là thiên hà đang hoạt động mạnh nhất ở phần lõi trung tâm của nó. Phần lõi này tỏa sáng nhờ tất cả khí và bụi bay xung quanh hố đen trung tâm của thiên hà. Ánh sáng phát ra thậm chí mạnh đến mức đủ để chiếu sáng toàn bộ phần còn lại của thiên hà bằng các ánh sáng nhìn thấy được và hồng ngoại. Nhờ vậy, kính thiên văn của con người có thể quan sát rõ ràng các thiên hà Seyfert.

Mẫu đá 2 tỉ năm tuổi của Trung Quốc giải mã bí ẩn Hệ Mặt trời

Mẫu đá Mặt trăng do sứ mệnh Trung Quốc mang về Trái đất lấp đầy những khoảng trống quan trọng trong lịch sử Hệ Mặt trời.

Tàu vũ trụ Thường Nga 5 mang mẫu đá Mặt trăng trở về Trái đất ngày 17.12.2020. Ảnh: CNSA

Theo nghiên cứu mới, kho báu mẫu đá Mặt trăng mà sứ mệnh của Trung Quốc mang về Trái đất có thể trẻ hơn 1 tỉ năm so với mẫu đá mà chương trình Apollo mang về cách đây nhiều thập kỷ.

Vào tháng 12.2020, tàu vũ trụ Thường Nga 5 của Trung Quốc đã mang về Trái đất 1,73kg đá Mặt trăng từ một khu vực có tên là Oceanus Procellarum. Kể từ đó, các nhà khoa học đã tiếp cận vật liệu quý giá và bắt đầu hàng loạt thí nghiệm để tìm hiểu những mẫu đá và bí mật của Hệ Mặt trời mà chúng có thể nắm giữ.

Theo nghiên cứu mới trên tạp chí Science ngày 7.10, tàu vũ trụ dường như đã lấy được mẫu hoàn hảo để lấp đầy lỗ hổng quan trọng trong hiểu biết của các nhà khoa học: Hai mảnh nhỏ của đá Mặt trăng có niên đại khoảng 1,97 tỉ năm tuổi, sai số cộng trừ 50 triệu năm.

"Đây là mẫu vật hoàn hảo để lấp đầy khoảng cách 2 tỉ năm" - Brad Jolliff, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Washington ở St. Louis, Missouri (Mỹ) và là đồng tác giả của nghiên cứu mới do nhóm chuyên gia tại Bắc Kinh đứng đầu, cho biết trong một tuyên bố.

Tàu vũ trụ NASA sẽ lao thẳng vào tiểu hành tinh gần Trái đất

Một tàu vũ trụ của NASA đang chuẩn bị phóng có nhiệm vụ đâm thẳng vào một tiểu hành tinh

Tàu vũ trụ DART của NASA và LICIACube của Cơ quan Vũ trụ Italia trước khi va chạm vào hệ thống tiểu hành tinh Didymos. Ảnh: NASA

Sứ mệnh DART hay Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh kép của NASA, sẽ cất cánh lúc 10h20 tối 23.11 theo giờ Thái Bình Dương (tức 12h20 ngày 24.11, giờ Hà Nội) tên lửa SpaceX Falcon 9 từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California, Mỹ.

Sau khi phóng vào tháng 11, NASA sẽ thử nghiệm công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh vào tháng 9.2022 để xem có thể tác động như thế nào đến chuyển động của một tiểu hành tinh gần Trái đất.

Mục tiêu của công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh này là Dimorphos - mặt trăng nhỏ quay quanh tiểu hành tinh gần Trái đất Didymos. CNN lưu ý, đây sẽ là màn trình diễn toàn diện đầu tiên của NASA về loại công nghệ bảo vệ hành tinh này. 

Nga thử vũ khí mới có khả năng đẩy lùi tấn công sân bay vũ trụ

Cơ quan Vũ trụ Nga thử nghiệm nguyên mẫu robot chiến đấu tự lái có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công vào sân bay vũ trụ Vostochny ở Viễn Đông. Công nghệ mới được phát triển này có thể sử dụng để khám phá Mặt trăng.

This browser does not support the video element.

Nga thử nghiệm nguyên mẫu robot chiến đấu tự lái Marker bắn súng máy. Video: Tổ chức Dự án Nghiên cứu Tiên tiến trong Công nghiệp Quốc phòng (FPI)

Phương tiện mặt đất không người lái "Marker" sẽ thực hành tuần tra khu vực xung quanh sân bay vũ trụ Vostochny nằm ở vùng Amur hẻo lánh. Marker có khả năng phát hiện, xác định và đánh chặn những kẻ xâm nhập, cũng như đối đầu với máy bay không người lái và các mối đe dọa khủng bố. Robot có thể được điều khiển từ xa hoặc hoạt động độc lập ở chế độ tự động. Nguyên mẫu hai bánh và ba bánh xích đã được phát triển.

Roscosmos cho hay, công nghệ như vậy có thể được sử dụng sau này trong các thiết bị để khám phá Mặt trăng và các hành tinh trong Hệ Mặt trời, nhưng điều quan trọng là phải cải thiện trí tuệ nhân tạo của nó trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn