MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trăng xanh xuất hiện đúng ngày rằm tháng 7 âm lịch. Ảnh minh hoạ của NASA

Tin vũ trụ nóng nhất tuần: Ngắm trăng xanh kỳ thú đúng rằm tháng 7

Khánh Minh LDO | 22/08/2021 13:30

Trăng xanh kỳ thú đúng rằm tháng 7; Quan sát sao Mộc dễ dàng bằng mắt thường; Tiểu hành tinh nguy hiểm to hơn tháp cao nhất thế giới áp sát Trái đất... là những tin vũ trụ nóng nhất tuần này.

Ngắm trăng xanh kỳ thú đúng rằm tháng 7 âm lịch

Trăng xanh xuất hiện trên bầu trời đêm vào ngày 22.8, cũng chính là ngày rằm tháng 7 âm lịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, tên gọi trăng xanh không có nghĩa là Mặt trăng sẽ tỏa ra ánh sáng có sắc thái xanh, thay vào đó nó xuất hiện với hình ảnh quen thuộc như chúng ta vẫn thấy.

Mặt trăng sẽ không thực sự có màu xanh nhưng theo NASA, tên gọi "trăng xanh" có thể được đặt khi bụi trong bầu khí quyển Trái đất khiến người yêu thiên văn quan sát được mặt trăng dường như có màu xanh.

Mặt trăng sẽ không thực sự có màu xanh. Ảnh: NASA

Có 2 định nghĩa về thuật ngữ "trăng xanh". Trước đây, trăng xanh được xác định là trăng tròn thứ 3 trong một mùa có 4 lần trăng tròn. Trăng xanh khi đó được gọi là trăng xanh theo mùa và hiện tượng này xảy ra khoảng 2,5 năm một lần.

Gần đây hơn, thuật ngữ trăng xanh cũng được áp dụng cho lần trăng tròn thứ 2 trong một tháng dương lịch và cách hiểu này được đông đảo mọi người chấp nhận.

Quan sát sao Mộc dễ dàng bằng mắt thường

Ngày 19.8, hành tinh khí khổng lồ sao Mộc đã trải qua một sự kiện đối nghịch, theo đó Trái đất nằm giữa sao Mộc và Mặt trời. Sự kiện này cũng là thời điểm sao Mộc tiến đến điểm gần Trái đất nhất trong năm.

Sao Mộc có thể nhìn thấy được bằng mắt thường và sáng hơn bất kỳ ngôi sao nào trên bầu trời Trái đất, tất nhiên là ngoại trừ Mặt trời.

Sao Mộc. Ảnh: NASA

NASA cho biết, tháng 8 có lẽ là thời điểm tốt nhất trong năm nay để ngắm sao Mộc và sao Thổ, vì cả hai hành tinh này đều trải qua sự kiện đối nghịch trong tháng này. Ngay sau khi sao Mộc sáng nhất, ngày 20.8, người yêu thiên văn cũng quan sát được các vành đai sao Thổ.

Tàu thám hiểm sao Hỏa phát hiện điều kỳ thú trên hành tinh đỏ

Tàu thám hiểm sao Hỏa của NASA mang đến cho chúng ta một trải nghiệm kỳ thú khi được ngắm bầu trời ở thế giới khác.

This browser does not support the video element.

Tàu thám hiểm Perseverance phát hiện mặt trăng Deimos của sao Hỏa. Video: NASA

Tàu thám hiểm Perseverance phát hiện Deimos - mặt trăng nhỏ bé của sao Hỏa - lấp lánh trên bầu trời hành tinh đỏ đầy bụi. "Ngắm bầu trời thật thú vị cho dù bạn ở đâu. Tôi đã xem bộ phim tua nhanh thời gian (time-lapse) ngắn này để ngắm những đám mây và bắt gặp một thứ khác: Hãy nhìn kỹ và bạn sẽ thấy Deimos, một trong hai mặt trăng của sao Hỏa" - thành viên nhóm Perseverance viết trên Twitter chính thức của sứ mệnh hôm 20.8.

Mặt trăng Deimos rộng 12,4km, quay quanh quỹ đạo 23.458km phía trên sao Hỏa, hoàn thành một vòng gần như tròn quanh hành tinh sau mỗi 30 giờ. Mặt trăng khác của sao Hỏa - Phobos - có đường kính khoảng 22km và quỹ đạo ở độ cao chỉ 9.234km. Hầu hết các nhà thiên văn học cho rằng cả hai mặt trăng đều là những tiểu hành tinh bị thu giữ bởi lực hấp dẫn của sao Hỏa.

Sự thật bất ngờ về hố đen vũ trụ

Hố đen vũ trụ không phải là "kẻ háu ăn" nuốt chửng mọi thứ trong không gian như chúng ta từng nghĩ, theo Science Times.

Hố đen vũ trụ. Ảnh: NASA

Các chuyên gia khẳng định rằng, hố đen không thực sự nuốt chửng ánh sáng, vật chất hoặc năng lượng. Chúng chỉ uốn cong và vặn xoắn cấu trúc của thời gian-không gian khi có quá nhiều trọng lượng dồn vào một không gian nhỏ như vậy.

Tiểu hành tinh nguy hiểm to hơn tháp cao nhất thế giới áp sát Trái đất

Tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy hiểm, lớn hơn tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai, tiến sát Trái đất vào ngày 21.8.

Tiểu hành tinh AJ193 2016 rộng 1,4km, là một tiểu hành tinh cỡ trung và bay sát Trái đất ở khoảng cách hơn 3,4 triệu kilomet, ở vị trí gần Trái đất nhất vào lúc 22h10 ngày 21.8 theo giờ Việt Nam.

Minh hoạ tiểu hành tinh bay sát Trái đất. Ảnh: NASA

NASA phân loại AJ193 2016 là tiểu hành tinh gần Trái đất và tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy cơ. Mặc dù bay cách Trái đất hơn 3,4 triệu kilomet, nhưng nó vẫn được xếp vào loại có khả năng nguy hiểm vì, về mặt thiên văn học, khoảng cách này khá gần. Tất cả tiểu hành tinh có thể tiến đến gần Trái đất ở khoảng cách 7,5 triệu kilomet trở xuống đều bị coi là vật thể tiềm ẩn nguy hiểm.

Phi hành gia trên trạm vũ trụ Trung Quốc đi bộ ngoài không gian

Phi hành gia ở trạm vũ trụ Trung Quốc đã đi bộ ngoài không gian vào ngày 20.8, theo Cơ quan Vũ trụ Có người lái Trung Quốc (CMSA).

Ba phi hành gia Trung Quốc được đưa lên module lõi của trạm vũ trụ Thiên Cung từ tháng 6. Trạm vũ trụ đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ vào tháng 12.2022, một mục tiêu vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc.

Hai trong số 3 phi hành gia Trung Quốc trên trạm vũ trụ đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian lần thứ 2 trong năm nay vào sáng 20.8 (giờ Bắc Kinh).

Phi hành gia Nhiếp Hải Thắng và Lưu Bá Minh rời khỏi module lõi để thực hiện một số nhiệm vụ như lắp đặt thiết bị bên ngoài trạm vũ trụ, theo CMSA. Phi hành gia thứ 3 là Thang Hồng Ba đảm nhận hỗ trợ từ bên trong cabin.

This browser does not support the video element.

Hai phi hành gia Trung Quốc rời khỏi module lõi trạm vũ trụ để đi bộ ngoài không gian. Nguồn: Tân Hoa Xã

Trước khi trạm vũ trụ Thiên Cung hoàn thành, dự kiến có 3 phi hành đoàn khác và 2 module phòng thí nghiệm sẽ được Trung Quốc đưa lên trạm vũ trụ.

Sau khi hoàn thành, trạm vũ trụ Trung Quốc dự kiến hoạt động trong 10 năm và có thể gia hạn lên 15 năm. Dù không lớn bằng Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) nhưng trạm vũ trụ của Trung Quốc được thiết kế để các phi hành gia ở lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn