MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu Exo-Mars Orbiter phát hiện lở đất dài 5km trên sao Hỏa. Ảnh: ESA

Tin vũ trụ nóng nhất tuần: Phát hiện chuyển động bí ẩn trên sao Hỏa

Song Minh LDO | 12/09/2021 11:00

Tin vũ trụ nóng nhất tuần qua gồm: Tàu quỹ đạo sao Hỏa phát hiện chuyển động bí ẩn trên hành tinh đỏ; Cây ớt đầu tiên nở hoa trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS; 3 ngôi sao tạo hiện tượng thiên văn kỳ thú...

Tàu quỹ đạo sao Hỏa phát hiện chuyển động bí ẩn trên hành tinh đỏ

Tàu quỹ đạo Exo-Mars Orbiter của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) khi khám phá hành tinh đỏ đã chụp được những hình ảnh chuyển động của vật chất bề mặt trên sao Hỏa rất chi tiết. Chuyển động của vụ lở đất dài 5km được máy ảnh của tàu quỹ đạo chụp tại vành đai một miệng núi lửa rộng 35km trong vùng Aeolis của sao Hỏa.

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cho hay, lở đất là quá trình địa mạo xảy ra trong các điều kiện môi trường cụ thể. Trên sao Hỏa cũng như trên Trái đất, chúng có nhiều hình dạng, kích thước khác nhau và các chất tương tự của Trái đất được sử dụng để hiểu các quá trình tương tự được phát hiện trên các hành tinh khác. 

Cây ớt đầu tiên nở hoa trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS

Lần đầu tiên cây ớt nở hoa trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS, theo phi hành gia Mỹ Megan McArthur.

Cây ớt nở hoa trên ISS. Ảnh: Twitter/Megan McArthur

Hạt giống ớt đã được trồng trên Trạm Vũ trụ Quốc tế như một phần của thí nghiệm mới nhằm mở rộng phạm vi trồng trọt trong không gian, chuẩn bị cho sứ mệnh đưa người lên sao Hỏa trong tương lai.

Hạt ớt đã được đưa đến Trạm Vũ trụ Quốc tế vào ngày 5.6.2021 trong sứ mệnh tiếp tế thương mại SpaceX Dragon CRS-22. Kể từ đó, hạt giống ớt xanh và ớt đỏ bắt đầu được gieo trồng như một phần trong thí nghiệm Plant Habitat-04 của NASA.

Các phi hành gia nhận được hầu hết nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống từ các tàu chở hàng, nhưng các phiên bản trước của thí nghiệm Plant Habitat cũng đã cung cấp một số thực phẩm.

Trong ba vụ thu hoạch trước, các phi hành đoàn đã được thưởng thức xà lách đỏ được trồng trong không gian, mù tạt Mizuna, hai loại rau diếp khác và củ cải. Các phi hành gia còn trồng các loài thực vật có hoa, chẳng hạn như cúc ngũ sắc.

Bộ 3 ngôi sao tạo ra hiện tượng thiên văn kỳ thú trên bầu trời đêm

Tối 9.9, Mặt trăng lưỡi liềm cùng với hai ngôi sao sáng nhất là sao Kim và sao Spica đã tạo thành một hình tam giác đều thú vị trên bầu trời đêm.

Mặt trăng, sao Kim và ngôi sao sáng Spica tạo thành hình tam giác đều trên bầu trời tối 9.9. Ảnh: SkySafari

Khoảng 45 phút sau khi Mặt trời lặn, sao Kim đã xuất hiện phía trên đường chân trời phía tây - tây nam, lơ lửng gần Mặt trăng lưỡi liềm ở ngay phía trên bên phải. Chếch xuống bên dưới là sao Spica, thuộc chòm sao Xử Nữ.

Sao Kim lúc này có độ sáng hơn gấp 11 lần so với sao Sirius - ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm của Trái đất. Trong khi Mặt trăng mới trải qua ngày thứ 3 trong chu kỳ nên chiếu sáng ở mức khoảng 11%.

Tiểu hành tinh tiến gần Trái đất nhất năm 2021

Tiểu hành tinh áp sát Trái đất vào đầu ngày 8.9, chỉ vài giờ sau khi các nhà thiên văn học lần đầu phát hiện ra thiên thể này. 

Có vô số tiểu hành tinh trong vũ trụ nhưng phần lớn đều không đáng lo ngại. Ảnh: NASA

Đây là tiểu hành tinh 2021 RS2, có đường kính từ 2,1 đến 5,2m, tức ở khoảng giữa kích thước một chiếc ôtô nhỏ và một xe bán tải lớn. 

Tiểu hành tinh áp sát Trái đất ở khoảng cách 16.000km, gần gấp đôi khoảng cách từ Trái đất đến vị trí các vệ tinh lớn bay trên quỹ đạo.

Tiểu hành tinh ngày 8.9 đã tiến gần bề mặt Trái đất hơn so với một tiểu hành tinh khác sượt qua hồi tháng 2. 

2021 RS2 di chuyển với tốc độ hơn 18km/s. Khảo sát Mt. Lemmon ở Arizona, Mỹ, phát hiện tiểu hành tinh này hôm 7.9, thời gian ngắn trước khi thiên thể tiếp cận Trái đất. Tiểu hành tinh 2021 RS2 đã an toàn đi qua và tiếp tục di chuyển trong Hệ Mặt trời.

Lộ manh mối nước trên sao Hỏa từ mẫu vật đầu tiên NASA thu thập

Hai mẫu đá sao Hỏa đầu tiên do tàu thám hiểm Perseverance của NASA thu thập cung cấp lòng tin vững chắc rằng, nước ngập miệng núi lửa Jezero trong khoảng thời gian dài. 

This browser does not support the video element.

Tàu thám hiểm Perseverance lấy mẫu đá trên sao Hỏa. Video: NASA

Thông tin do NASA công bố ngày 10.9. Nhà khoa học Julia Goreva thuộc chương trình tàu thám hiểm sao Hỏa của NASA cho biết trong cuộc họp báo từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) ở Pasadena, California: “Chúng tôi xác định các hạt muối trong đá cho thấy nó đã tiếp xúc với nước".

Trong thông cáo báo chí, NASA lưu ý, việc lắng đọng muối có nghĩa là có thể loại trừ một sự kiện nước đột ngột hình thành ở miệng núi lửa.

"Dường như những tảng đá đầu tiên tiết lộ một môi trường có tiềm năng sinh sống được được duy trì liên tục. Điều quan trọng là nước đã có ở đó một thời gian dài" - Ken Farley, nhà khoa học dự án của sứ mệnh sao Hỏa, nêu trong thông cáo.

Những mẫu đá sao Hỏa được tàu thám hiểm của NASA khoan vào ngày 6 và 8.9 được lấy từ đá hỏa sinh hoặc đá núi lửa. Trước đây, NASA đã biết rằng, nước từng ngập miệng núi lửa Jezero nhưng không rõ là bao lâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn