MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Minh hoạ con người trên sao Hỏa. Ảnh: NASA

Tin vũ trụ nóng nhất tuần: Thời gian tối đa con người sống được ở sao Hỏa

Khánh Minh LDO | 05/09/2021 10:29
Thời gian tối đa con người có thể sống trên sao Hỏa; Cấu trúc bí ẩn ở tiểu hành tinh rất giống Trái đất; Tên lửa vũ trụ Mỹ nổ tung ngay khi đạt tốc độ siêu thanh... là những tin vũ trụ nóng nhất tuần qua.

Thời gian tối đa con người có thể sống trên sao Hỏa

Con người có thể sống trên sao Hỏa không quá 4 năm, theo nghiên cứu mới. Đưa con người lên sao Hỏa đòi hỏi các nhà khoa học và kỹ sư phải vượt qua một loạt trở ngại về công nghệ và an toàn. Một trong số đó là rủi ro nghiêm trọng do bức xạ hạt từ mặt trời, các ngôi sao xa xôi và các thiên hà gây ra.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Los Angeles (UCLA) cho biết, con người có thể đi đến và đi từ sao Hỏa một cách an toàn, với điều kiện là tàu vũ trụ có đủ sự che chắn và chuyến đi khứ hồi ngắn hơn khoảng 4 năm. Các nhà khoa học cũng xác định rằng, thời điểm tốt nhất để chuyến bay rời Trái đất sẽ là khi hoạt động của mặt trời ở mức cực đại, được gọi là cực đại của mặt trời.

Phát hiện đột phá về vụ nổ siêu tân tinh hiếm có 1 tỉ năm trước

Hình minh họa vụ nổ siêu tân tinh. Ảnh: SpaceAustralia

Kính thiên văn Kepler của NASA phát hiện đột phá về một vụ nổ siêu tân tinh khổng lồ trong vũ trụ từ 1 tỉ năm trước. 1 tỉ năm trước, một ngôi sao khổng lồ màu vàng, lớn gấp 100 lần Mặt trời, đã sụp đổ, tạo ra sóng xung kích và vô số các mảnh vỡ phóng ra xung quanh như một trận đại hồng thủy. Kính thiên văn Kepler của NASA đã may mắn bắt được những tín hiệu này và ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy thực ra là những gì còn sót lại của ngôi sao đó từ 1 tỉ năm trước.

Dữ liệu Kepler về siêu tân tinh vừa được phát hiện là chưa từng có và là lần đầu tiên mang đến một cái nhìn rõ ràng về tiến trình của sóng xung kích của một ngôi sao vào cuối vòng đời của nó. Sóng xung kích bắt đầu phát ra từ những khoảnh khắc sớm nhất của vụ nổ.

Siêu tân tinh được nhóm nghiên cứu đặt tên là SN2017jgh, hứa hẹn sẽ mở mang thêm hiểu biết của các nhà khoa học về cách các ngôi sao tồn tại và biến mất.

Hố đen siêu lớn hình thành đầy mê hoặc trong video mới

Các nhà khoa học đang hy vọng rằng những mô phỏng mới, như mô phỏng gần đây do các nhà nghiên cứu tại Đại học Northwestern tạo ra, có thể tiết lộ nguồn gốc của những hố đen siêu lớn.

This browser does not support the video element.

Video mô phỏng hố đen siêu lớn hình thành. Video: Đại học Northwestern

Các hố đen siêu lớn có thể nặng gấp hàng triệu hoặc hàng tỉ lần so với mặt trời, và chúng dựa vào dòng khí ổn định để duy trì trạng thái tỉnh táo. Để hiểu được những cấu trúc khổng lồ này phát triển như thế nào, các nhà khoa học cần phải hiểu những cách khác nhau mà khí lưu thông khắp vũ trụ để nuôi chúng.

Mô phỏng mới cho thấy các quá trình vật lý quan trọng ảnh hưởng đến dòng khí. Sự giãn nở của vũ trụ, trọng lực, gió từ các ngôi sao lớn, vụ nổ siêu tân tinh và môi trường thiên hà quy mô lớn là một số yếu tố được đưa vào mô phỏng mới để tạo ra một bức tranh chính xác.

Cấu trúc bí ẩn ở tiểu hành tinh rất giống Trái đất

Trên tiểu hành tinh Vesta khổng lồ "rất giống Trái đất" có cấu trúc bí ẩn cực lớn và có vẻ không sớm giải đáp được.

Các cấu trúc bí ẩn trên tiểu hành tinh Vesta. Ảnh: NASA

Tàu vũ trụ Dawn của NASA đã đến Vesta vào năm 2011 và 2012 và lập bản đồ bề mặt của tiểu hành tinh này với độ chi tiết chưa từng có. Dựa trên các dữ liệu do tàu thăm dò Dawn thu được, các nhà khoa học ghi nhận nhiều đặc điểm khác thường của Vesta. Chẳng hạn trên bề mặt có nhiều miệng hình phễu do va đập, các đường rãnh, hố trũng và nhiều loại khoáng chất...

Trong số các đặc điểm mà tàu vũ trụ Dawn nghiên cứu có hai rãnh lõm rộng lớn: Divalia Fossae trải dài xung quanh hơn một nửa tiểu hành tinh và Saturnalia Fossae ở bán cầu bắc của khối đá vũ trụ khổng lồ.

Có những giả thuyết khác nhau về cách hình thành chính xác của cấu trúc này, nhưng một trong số đó cho rằng mỗi cấu trúc là kết quả của một trận đại hồng thủy. Các nhà khoa học hy vọng việc giải mã bí ẩn về cách các cấu trúc này hình thành sẽ làm sáng tỏ lịch sử của Vesta - và có thể là các thiên thể lớn khác trong Hệ Mặt trời.

Tên lửa vũ trụ Mỹ nổ tung ngay khi đạt tốc độ siêu thanh

Tên lửa Alpha của Firefly nổ tung ngay lần phóng đầu tiên. Ảnh: Firefly

Công ty vũ trụ Firefly của Mỹ đã phóng tên lửa Alpha lần đầu tiên vào tối 2.9 nhưng phương tiện gặp sự cố vài phút sau khi cất cánh và nổ tung. Tên lửa Alpha của Firefly đạt tốc độ siêu thanh trước thời khắc thất bại, theo âm thanh điều khiển sứ mệnh của công ty vũ trụ tư nhân này.

Công bố lý do thất bại, Firefly cho biết, tên lửa Alpha bị Lực lượng Không gian Mỹ kích nổ tung ngay sau khi tên lửa đi chệch hướng. Hầu hết tên lửa phóng đi từ lãnh thổ Mỹ phải được trang bị hệ thống kết thúc phóng. Về cơ bản, đây là bộ chất nổ trên tên lửa có thể kích hoạt từ xa để phá hủy tên lửa nhằm bảo vệ con người và tài sản trên mặt đất trong những trường hợp có sự cố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn