MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh minh họa một con khủng long bạo chúa T-rex. Ảnh: AFP

Tính toán mới về tốc độ di chuyển của khủng long bạo chúa

Nguyễn Hạnh LDO | 21/04/2021 10:19
Theo CNN, khủng long bạo chúa T-rex là một kẻ săn mồi đáng sợ, nhưng nó chắc chắn không phải là một kẻ di chuyển nhanh. Trên thực tế, hầu hết con người có thể dễ dàng theo kịp con khủng long mà không cần đổ mồ hôi.

Theo tính toán mới nhất của các nhà khảo cổ Hà Lan, T-rex thường di chuyển với tốc độ 5km/h, tương tự như của con người và nhiều loài động vật khác.

Khi không có lý do gì để chạy, hầu hết các loài động vật kể cả con người, đều có tốc độ đi bộ tự nhiên tránh làm tốn năng lượng của cơ thể.

Pasha van Bijlert - người đứng đầu nghiên cứu - cho biết các ước tính trước đó đã không tính đến vai trò của đuôi T-rex - thứ chiếm hơn một nửa chiều dài của nó, khi xử lý các con số.

Anh cho biết thêm: "Động vật có xu xướng đi bộ với tốc độ sao cho giảm thiểu năng lượng cơ thể tiêu tốn. Chúng làm điều này bằng cách chọn nhịp điệu bước cụ thể giúp các bộ phận cơ thể nó cộng hưởng lẫn nhau. Vì toàn bộ phần đuôi của T-rex hoạt động nhờ các dây chằng, hoạt động giống như dây cao su, chúng tôi đã tái tạo phần đuôi này để nghiên cứu xem ở nhịp bước nào mà phần đuôi của T-rex sẽ cộng hưởng".

"Toàn bộ phần đuôi được chúng tôi tái tạo với trọng lượng gần 1.000 kg, với mỗi bước đi nó sẽ hơi nảy lên và xuống. Với nhịp điệu phù hợp, chúng có thể di chuyển được rất xa mà không tốn nhiều công sức".

Bộ xương hóa thạch từ đuôi khủng long bạo chúa T-rex được trưng bày tại triển lãm Tristan Otto. Ảnh: AFP

Nhóm nghiên cứu đã tính toán nhịp bước từ mô hình máy tính đuôi T-rex, dựa trên Trix - một hóa thạch T-rex trưởng thành dài 12 mét tại Trung tâm Đa dạng Sinh học Naturalis, Hà Lan. Các nhà khoa học sau đó nhân nhịp điệu di chuyển với độ dài bước chân được phát hiện từ các dấu vết di chuyển, cho ra một tốc độ đi bộ ban đầu ước tính là 4,6km/h.

Van Bijlert cho biết, các phương pháp khác chủ yếu tập trung vào tính toán dựa trên chân và hông. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc ước tính, nhưng các tính toán chỉ dựa trên những phần này có thể dẫn đến kết quả không chính xác. Bởi vì T-rex và nhiều loài khủng long khác có đuôi độc nhất vô nhị mà không có ở bất kỳ loài động vật sống nào khác ngày nay.

Việc tìm hiểu cách thức di chuyển của động vật ăn thịt hàng đầu như T-rex có thể giúp các nhà nghiên cứu sinh vật học cổ đại hiểu rõ hơn về hành vi của khủng long và các hệ sinh thái cổ đại, trả lời cho các câu hỏi như: Nó cần bao nhiêu thức ăn để di chuyển cơ thể khổng lồ với tốc độ đó? Nó sẽ đi trong khoảng bao xa để tìm con mồi?

Theo Van Bijlert, ví dụ: Một con T-rex sẽ sử dụng tốc độ ưa thích của nó khi đi về phía nguồn nước. Điều đó cung cấp cho bạn ý tưởng về khoảng cách mà T-rex có thể di chuyển khi tìm kiếm thức ăn.

Ông không ước tính tốc độ tối đa của T-rex trong nghiên cứu này nhưng dự định sẽ làm như vậy bằng cách sử dụng cùng một phương pháp trong tương lai.

Các nghiên cứu khác đã điều tra khả năng chạy của khủng long và ước tính nó có thể chạy tối đa 20km/h và 29km/h, nếu chạy nhanh hơn có thể sẽ dẫn đến gãy xương.

John Hutchinson, giáo sư về cơ sinh học tiến hóa tại Đại học Thú y Hoàng gia (London), nói rằng vai trò của đuôi là một chủ đề bị bỏ quên trong các nghiên cứu về sự di chuyển của khủng long.

Điều khiến V.Bijlert ngạc nhiên nhất về nghiên cứu là tốc độ đi bộ của T-rex tương tự như tốc độ đi bộ của phần lớn các loài động vật còn sống ngày nay.

Động vật bao gồm cả hai và bốn chân, cả kích thước nhỏ và lớn như con người, đà điểu, ngựa, voi, hươu cao cổ và linh dương đều có tốc độ ưa thích tương tự nhau là khoảng 3,5-5km/h.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn