MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu phức hợp hạt nhân Yongbyon năm 2008. Ảnh: Reuters/Kyodo

Tổ hợp hạt nhân Yongbyon - tâm điểm “làm lỡ” thoả thuận Mỹ-Triều

Song Minh LDO | 01/03/2019 09:39
Khu phức hợp hạt nhân Yongbyon được xem là "át chủ bài" trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng một lần nữa vấn đề này chưa được giải quyết trong thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Sau khi thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội kết thúc đột ngột mà không đạt thoả thuận nào, Tổng thống Donald Trump giải thích lý do là ông Kim Jong-un muốn xoá bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon, nhưng muốn Mỹ dỡ bỏ trừng phạt trước - điều mà ông Donald Trump không muốn.

Khu phức hợp Yongbyon, nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 90km, là một phần quan trọng trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Trước thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội, đã có những thông tin rằng Bình Nhưỡng có thể đề xuất đóng cửa Yongbyon, hoặc đóng cửa một phần tổ hợp hạt nhân này, để đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt.

Chuyên gia quốc phòng Melissa Hanham của One Earth Future, giải thích với BBC về cái nôi hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên.

Lịch sử

Tổ hợp Yongbyon, trong đó có Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon, nằm trên khuôn viên rộng lớn, chủ yếu phục vụ nhiệm vụ quân sự là sản xuất vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trung tâm được bắt đầu xây dựng vào năm 1961 sau khi Triều Tiên đạt được 2 thoả thuận hạt nhân với Liên Xô.

Sông Kuryong chảy qua khuôn viên của khu phức hợp này, và nước sông được dùng để làm mát các lò phản ứng liền kề. Một số phần của tổ hợp là các cơ sở nghiên cứu khoa học và hành chính, nhưng điều mà Mỹ muốn là phá dỡ các lò phản ứng và các thiết bị khác.

Khu phức hợp hạt nhân Yongbyon với các lò phản ứng và các cơ sở phụ trợ. Nguồn: BBC

Lò phản ứng IRT-2000

Một trong hai lò phản ứng đang hoạt động là trọng tâm của dự án nguyên tử Yongbyon. Lò thứ nhất là lò phản ứng nghiên cứu có công suất 2MW, được gọi là IRT-2000 - là lò phản ứng nhỏ nhất và lâu đời nhất ở Yongbyon. Nó được hoàn thành vào năm 1965 dưới sự trợ giúp của đội ngũ kỹ thuật viên của Liên Xô, và ban đầu được sử dụng để sản xuất uranium làm giàu cấp độ thấp cho các mục đích khoa học và sản xuất các đồng vị y tế.

Cho đến năm 1973, Liên Xô đã cung cấp các thanh nhiên liệu để vận hành lò phản ứng, nhưng Triều Tiên sau đó đã mở rộng khả năng của lò phản ứng nghiên cứu lên thành 7MV dựa vào công nghệ do chính họ phát triển. Một số báo cáo cho biết, Bình Nhưỡng đã sử dụng lò phản ứng này để bí mật chiết xuất một lượng nhỏ plutonium, nguyên liệu cần thiết để sản xuất bom.

Lò phản ứng 5 MW

Lò thứ hai là một lò phản ứng vừa phải chạy bằng than có công suất 5MW có thể sản xuất các thanh nhiên liệu đã mòn, được tái xử lý, có thể cung cấp mỗi năm từ 5 đến 7kg plutonium dành cho quân sự. Trong khi đó, với khoảng 6kg plutonium có thể chế tạo được một quả bom nguyên tử.

Không để cho Mátxcơva biết, Bình Nhưỡng bắt tay xây dựng lò hạt nhân này vào năm 1979 và đưa vào hoạt động năm 1986, dựa theo nguyên lý của lò phản ứng “Calder Hall”, một thiết kế của Anh trong những năm 1950, nhằm sản xuất chất plutonium phục vụ chế tạo vũ khí hạt nhân.

Lò phản ứng này là tâm điểm của một số cuộc đối đầu và đột phá ngoại giao. Ngày nay, nó có khả năng hoạt động bằng cách sử dụng nước từ sông Kuryong gần đó.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã vài lần tiếp cận với lò phản ứng này, tuỳ thuộc việc Triều Tiên sẵn sàng cho phép thanh sát viên vào đến đâu. Đã có 2 nỗ lực trước đó để đóng cửa lò phản ứng này - nhưng cả 2 nỗ lực đều bất thành khi các mối quan hệ trở nên tồi tệ.

Tại khu phức hợp Yongbyon, Triều Tiên còn lên kế hoạch xây một lò phản ứng chạy bằng than khác, có công suất 50 MW, có khả năng sản xuất khoảng 55kg plutonium mỗi năm. Công trình được khởi công vào năm 1985, với mục tiêu hoàn thành vào năm 1995, nhưng dự án đã bị đình chỉ vì tuân theo thỏa thuận hạt nhân kí năm 1994 với Washington.

Phòng thí nghiệm phóng xạ

Cơ sở này trên thực tế là một cơ sở tái xử lý plutonium được sử dụng để tái chế các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng hạt nhân thành vật liệu có thể dùng để sản xuất vũ khí. Ban đầu Triều Tiên nói với IAEA rằng cơ sở này đào tạo các nhà khoa học hạt nhân, tuy nhiên IAEA kết luận đây thực sự là cơ sở tái chế.

Cơ sở lớn được thiết kế để xử lý plutonium từ cả lò phản ứng 5MW và lò phản ứng 50MW gần đó đã bị bỏ hoang trước khi hoàn thành. Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động của xe cộ và xây dựng xung quanh, tuy nhiên cơ sở tái xử lý có ít dấu hiệu để người ngoài biết được khi nào nó hoạt động hoặc bao nhiêu plutonium được tái chế.

Các bãi thử

Một phần quan trọng khác trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên liên quan đến các vụ nổ thử nghiệm, rất cần cho quá trình sản xuất chất nổ hạt nhân tinh vi là các bãi thử. Triều Tiên có hai bãi thử lớn, ở Yongbyon và Kusong - cách Yongbyon khoảng 40km về phía tây bắc. Từ năm 1983 đến 2002, có khoảng 140 vụ thử đã được tiến hành ở hai khu vực này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn