MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉ phú Nga Mikhail Fridman (trái) và Petr Aven. Ảnh: Sputnik

Tòa án hàng đầu châu Âu phán quyết thắng cho tỉ phú Nga

Song Minh LDO | 12/04/2024 19:11

Tòa án hàng đầu của châu Âu phán quyết rằng việc đưa hai tỉ phú Nga vào danh sách trừng phạt của EU năm 2022 là không chính đáng.

RT đưa tin, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu vừa ra phán quyết đưa các ông trùm ngân hàng Nga Mikhail Fridman và Petr Aven ra khỏi danh sách trừng phạt năm 2022 của EU áp đặt đối với cuộc xung đột Nga - Ukraina, nhưng những hạn chế tiếp theo đối với hai tỉ phú này sẽ vẫn có hiệu lực.

Tòa án đã bãi bỏ quyết định ban đầu của Hội đồng châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người đồng sáng lập ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga, Alfa Bank, qua đó hủy bỏ các biện pháp hạn chế có hiệu lực từ tháng 2.2022 đến tháng 3.2023.

EU áp đặt trừng phạt các tỉ phú với cáo buộc rằng họ “ủng hộ các hành động và chính sách làm suy yếu hoặc đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraina”.

Theo tuyên bố của tòa án có trụ sở tại Luxembourg, các tỉ phú Nga đã chứng minh được rằng “bằng chứng mà Hội đồng châu Âu đưa ra là không đáng tin cậy và các đánh giá của Hội đồng là không chính xác”.

Tuyên bố viết: “Tòa kết luận việc đưa ông Aven và ông Fridman vào danh sách trừng phạt là không chính đáng”.

Tháng 3.2023, Hội đồng châu Âu đã xem xét lại cách diễn đạt liên quan đến căn cứ cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tỉ phú Nga.

Các tiêu chí cập nhật cho phép EU đưa vào danh sách đen các cá nhân Nga “có liên quan đến những lĩnh vực kinh tế mang lại nguồn thu đáng kể” cho chính phủ Nga. Quyết định này áp dụng lại các biện pháp hạn chế đối với Aven và Fridman - những người đã nộp đơn kháng cáo riêng chống lại hành động đó và vẫn đang chờ xử lý.

Theo tạp chí Forbes, tài sản của Aven và Friedman lần lượt lên tới 4,3 tỉ USD và 13,1 tỉ USD.

Bình luận về quyết định mới nhất của tòa án, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhắc lại rằng, Nga coi tất cả các biện pháp trừng phạt là bất hợp pháp, không công bằng, mang tính phá hoại “và có lẽ thậm chí có phần đáng hổ thẹn đối với các cơ quan đưa ra chúng”.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2.2022, EU đã nhắm tới hàng trăm quan chức cấp cao của Nga, bao gồm các quan chức hàng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp và thành viên gia đình họ với cáo buộc họ có vai trò trong cuộc xung đột. Các biện pháp trừng phạt thường bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn