MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29.5.2023. Ảnh: Xinhua

Tổng thống Erdogan tuyên bố "khởi đầu thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ"

Song Minh LDO | 30/05/2023 06:26

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau khi giành chiến thắng trong vòng 2, cuộc bầu cử tổng thống ở nước này hôm 28.5, đã tuyên bố về sự "khởi đầu thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ".

Nhiệm kỳ ba

"Với chiến thắng vĩ đại của Thổ Nhĩ Kỳ... Hãy để thế kỷ của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu!" - Tổng thống Erdogan viết trên Twitter sau khi đắc cử nhiệm kỳ ba. Năm nay Thổ Nhĩ Kỳ kỷ niệm 100 năm thành lập.

Theo CNN, với 99,43% số phiếu đã được kiểm, kết quả chính thức sơ bộ do Hội đồng Bầu cử Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm 28.5 cho thấy, ông Erdogan giành chiến thắng với 52,14% số phiếu bầu, đánh bại lãnh đạo phe đối lập Kemal Kilicdaroglu với 47,86% phiếu.

Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ bên ngoài phủ tổng thống ở Ankara, ông Erdogan nói, "giờ là lúc gác lại mọi tranh luận và mâu thuẫn liên quan đến giai đoạn bầu cử và đoàn kết xung quanh các mục tiêu và giấc mơ của đất nước”.

“Chúng tôi không phải là những người chiến thắng duy nhất, người chiến thắng là Thổ Nhĩ Kỳ. Người chiến thắng là tất cả các thành phần trong xã hội của chúng ta, nền dân chủ của chúng ta là người chiến thắng” - ông Erdogan nói.

Ông Erdogan cho biết, trong số các ưu tiên chính của chính phủ sẽ là chống lạm phát và chữa lành vết thương sau trận động đất thảm khốc hôm 6.2 cướp đi sinh mạng của hơn 50.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria.

Những người ủng hộ ông Erdogan tập trung tại Quảng trường Taksim của Istanbul, hô vang tên ông và "Thượng đế vĩ đại". Hàng trăm người tập trung bên ngoài trụ sở của Đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền ở Istanbul sau khi kết quả sơ bộ cho thấy ông Erdogan dẫn đầu.

Denel Anart, một người ủng hộ Tổng thống Erdogan, nói: "Ông ấy là cha, ông, chú của tôi. Ông ấy là tất cả của tôi”. Sehat Pak, 33 tuổi, nói: "Người Hồi giáo nên vui mừng. Cả thế giới sẽ biết đến người Hồi giáo nhiều hơn".

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Kemal Kilicdaroglu tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi có "nền dân chủ thực sự" ở Thổ Nhĩ Kỳ.

“Đây là giai đoạn bầu cử không công bằng nhất trong lịch sử của chúng ta… Điều thực sự khiến tôi buồn là những ngày khó khăn phía trước đối với đất nước chúng ta”. 

Mehmet Karli, cố vấn của ông Kilicdaroglu, gọi chiến thắng của ông Erdogan là "chiến thắng cay đắng" và cáo buộc tổng thống đã gây căng thẳng trong cuộc bầu cử.

Chiến thắng của ông Erdogan trước ông Kilicdaroglu, 74 tuổi, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) thiên tả, khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc.

“Đây không phải là một thất bại nặng nề đối với những người muốn thay đổi. Một lần nữa, đất nước bị chia rẽ… cả hai phe đều muốn những điều hoàn toàn khác nhau đối với Thổ Nhĩ Kỳ” - Asli Aydintasbas, chuyên gia Viện Brookings, nhận định.

Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 14.5, ông Erdogan dẫn trước ông Kilicdaroglu gần 5 điểm nhưng chưa đạt ngưỡng 50% cần thiết để giành chiến thắng. Khối nghị viện của tổng thống đã giành được đa số ghế trong cuộc đua vào nghị viện cùng ngày.

Tuần trước, ứng cử viên ở vị trí thứ ba Sinan Ogan, người đã giành được 5% số phiếu bầu trong vòng đầu tiên, đã công khai ủng hộ ông Erdogan, giúp nhà lãnh đạo này có cơ hội giành chiến thắng trong vòng bầu cử thứ hai và cũng là vòng cuối cùng hôm 28.5, bất chấp 6 nhóm đối lập đã thành lập một khối thống nhất chưa từng có đằng sau ông Kilicdaroglu.

Thách thức với Tổng thống Erdogan

Phe đối lập mô tả cuộc bầu cử là biện pháp cuối cùng cho nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc ông Erdogan đã làm rỗng các thể chế dân chủ của đất nước trong suốt 20 năm cầm quyền, làm xói mòn quyền lực của cơ quan tư pháp.

Ông Erdogan cũng phải đối mặt với những cơn gió ngược từ nền kinh tế đang gặp khó khăn và phản ứng ban đầu tồi tệ đối với trận động đất hồi tháng 2. Chính phủ thừa nhận những sai lầm trong hoạt động cứu hộ và xin lỗi công chúng.

Những người chỉ trích ông Erdogan cũng nhấn mạnh các tiêu chuẩn xây dựng lỏng lẻo do đảng AK cầm quyền chủ trì, đã thúc đẩy xây dựng bùng nổ kể từ đầu những năm 2000, và làm trầm trọng thêm số người chết.

Cuộc khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ - khiến đồng lira lao dốc và giá cả tăng vọt - cũng bị đổ lỗi một phần là do các chính sách của ông Erdogan. Các nhà phê bình cho rằng, các chính sách lãi suất khiến lạm phát không thể được kiểm soát.

Trong khi đó, ông Erdogan tuyên bố sẽ thúc đẩy các chính sách kinh tế không chính thống của mình, lập luận rằng lãi suất và lạm phát có “mối tương quan tích cực”.

Ông Erdogan cũng ca ngợi mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin là "đặc biệt" và tuyên bố sẽ tiếp tục ngăn cản Thụy Điển gia nhập NATO, cáo buộc Stockholm chứa chấp các nhóm khủng bố người Kurd.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn