MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ bị kết tội sẽ không được hưởng các đặc quyền hậu nhiệm kỳ

Ngọc Vân LDO | 15/01/2021 18:03
Nếu Tổng thống Donald Trump bị luận tội một lần nữa, ông sẽ mất một số đặc quyền hậu nhiệm kỳ, theo tờ USA Today.

Các tổng thống bị luận tội và bị kết tội không được hưởng các đặc quyền hậu nhiệm kỳ

Đạo luật Cựu Tổng thống (FPA) năm 1958 quy định, các tổng thống được hưởng lương hưu, có nhân viên phục vụ do chính phủ chi trả, văn phòng và nội thất do chính phủ chi trả, ngân sách 1 triệu USD/năm cho an ninh và đi lại, cùng ngân sách 500.000 USD/năm cho an ninh và đi lại của vợ/chồng sau rời nhiệm sở.

Lương hưu của tổng thống bằng mức lương hàng năm của người đứng đầu cơ quan hành pháp, chẳng hạn như Bộ Ngoại giao, Tài chính, Quốc phòng hoặc Tư pháp, khoảng 200.000 USD, hoặc một nửa lương của tổng thống.

Đạo luật FPA định nghĩa một cựu tổng thống là người trước đây đã từng đảm nhiệm chức vụ tổng thống và kết thúc nhiệm kỳ nhưng "không phải theo cách bị cách chức theo mục 4, điều 2 Hiến pháp Mỹ" - điều khoản về luận tội và phế truất.

Điều khoản này có nghĩa là nếu Tổng thống Donald Trump bị Thượng viện luận tội, kết tội và cách chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông sẽ không được hưởng các đặc quyền hậu tổng thống này.

Hạ viện đã luận tội ông Donald Trump vào ngày 13.1 và hồ sơ luận tội hiện được chuyển đến Thượng viện để xét xử.

Ông Paul Campos, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Colorado, nhấn mạnh rằng, khả năng thu hồi những đặc quyền này đối với ông Donald Trump phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm kết tội của Thượng viện.

"Tất cả điều này chỉ xảy ra nếu ông ấy bị cách chức vào hoặc trước thứ Tư tới (ngày 20.1)" - ông Campos nói với tờ USA Today.

Ông Devin Schindler, giáo sư tại Đại học Western Michigan, đồng tình với nhận định của ông Campos.

"Câu trả lời ngắn gọn là tổng thống chỉ không được hưởng các đặc quyền nếu ông bị cách chức do bị luận tội. Do Thượng viện sẽ không triệu tập họp cho đến ngày 19.1, nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sẽ không kết thúc với việc luận tội".

Tổng thống bị luận tội vẫn có thể được Cơ quan Mật vụ bảo vệ

Các quy định trong Đạo luật Cựu Tổng thống không thu hồi quyền bảo vệ của Cơ quan Mật vụ Mỹ hoặc chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington đối với một tổng thống bị luận tội.

Một đạo luật riêng biệt năm 1962 cho phép tổng thống được mật vụ bảo vệ "trong một khoảng thời gian phù hợp sau khi rời nhiệm sở". Lần sửa đổi năm 2012 của luật đã mở rộng sự bảo vệ đó cho các cựu tổng thống và vợ/chồng họ suốt đời cùng con cái dưới 16 tuổi.

"Sự bảo vệ của Cơ quan Mật vụ được thực hiện theo một quy chế khác (ngoài FPA) và sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc luận tội và cách chức" - giáo sư Campos xác nhận.

An táng ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington

Khi USA Today hỏi về việc an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington của các tổng thống bị luận tội, nhân viên truyền thông John Harlow cho hay, theo quy định liên bang quản lý các nghĩa trang quân đội, "bất kỳ cựu chiến binh nào từng phục vụ tại ngũ và từng giữ chức vụ tổng thống hoặc phó tổng thống Mỹ" đều đủ điều kiện để an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington.

Ông Donald Trump chưa bao giờ phục vụ trong quân ngũ nên không đủ điều kiện để được an táng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington, bất kể có bị luận tội hay không.

Trong số các tổng thống Mỹ đủ điều kiện để an táng tại Arlington là Tổng thống William Howard Taft và John F. Kennedy.

Thượng viện quyết định việc tái tranh cử

Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có "quyền duy nhất để luận tội" và Thượng viện có "quyền duy nhất để xét xử tất cả cuộc luận tội". Tổng thống chỉ bị luận tội khi Thượng viện hội đủ 2/3 phiếu cần thiết.

Nếu Thượng viện bỏ phiếu để kết tội ông Donald Trump, thì Thượng viện cũng có thể tiếp tục bỏ phiếu để quyết định liệu ông có đủ điều kiện tái tranh cử hay không. Theo Hiến pháp Mỹ, một tổng thống bị luận tội và bị kết tội sẽ không được tái tranh cử trong tương lai nếu Thượng viện quyết định như vậy trong một cuộc bỏ phiếu tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn