MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud trao huân chương dân sự cao quý nhất của Saudi Arabia cho Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Saudi Arabia: Có đi có lại mới toại lòng nhau

LDO | 22/05/2017 13:00
Điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Saudi Arabia. Ngoài những hoạt động mang tính song phương, ông Donald Trump còn có sự kiện khác trong chương trình nghị sự là gặp lãnh đạo của tất cả các nước thành viên tổ chức Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và của gần 50 quốc gia Hồi giáo.

Sự đón tiếp nồng hậu của phía hoàng gia Saudi Arabia, thoả thuận hai bên về mua bán vũ khí trị giá 110 tỉ USD, cùng với nhiều hợp đồng và tuyên bố ý định hợp tác khác trị giá 250 tỉ USD cho thời gian 10 năm tới, đã giúp Tổng thống Donald Trump có được những thành quả quan trọng ở giai đoạn đầu của chuyến công du nước ngoài này, giúp tân Tổng thống Mỹ vớt vát được phần nào, cho dù không thể làm xoay chuyển được tình thế khó khăn, khó xử ở trong nước.

Phía Saudi Arabia đã chịu trả giá cao cho việc được chọn làm điểm đến đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên này. Những người tiền nhiệm của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ đều tới thăm hai nước láng giềng là Canada hay Mexico đầu tiên, và thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên sớm hơn ông Donald Trump rất nhiều. Mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia ở thời người tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump - Barack Obama - lạnh nhạt nhiều hơn là nồng ấm, phần vì ông Obama thúc đẩy đàm phán và ký kết thoả thuận với Iran về giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran, phần vì điều chỉnh chiến lược xoay trục của Mỹ sang tập trung cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Saudi Arabia không thể không hài lòng khi thấy Tổng thống Donald Trump khác hẳn người tiền nhiệm trong cả quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia, lẫn trong quan hệ của Mỹ với Iran. Thịnh tình của chủ nhà dành cho khách và những thoả thuận hợp tác vừa đáp ứng được sở thích cá nhân của ông Donald Trump là được trọng vọng và tung hô, lại vừa giúp nước này đạt được đồng thời hai mục tiêu khác nữa là ràng buộc Mỹ vào quan hệ đồng minh quân sự và đối tác chiến lược với Saudi Arabia, mà mục tiêu hàng đầu và được ưu tiên nhất là đối phó Iran và lật đổ chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.

Saudi Arabia lại đang thực thi Chiến lược 2030 với nội dung và định hướng chính là chuyển đổi cơ cấu kinh tế để giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, chuẩn bị tương lai cho nước này ở thời kỳ không còn dầu mỏ, hoặc dầu mỏ không còn tầm quan trọng chiến lược như hiện tại. Mỹ là đối tác, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường rất quan trọng đối với sự thành công trong chiến lược này của Saudi Arabia.

Tổng thống Donald Trump khác người tiền nhiệm trong quan hệ với Saudi Arabia và Israel vì trước hết luôn muốn tỏ ra khác người tiền nhiệm, và thậm chí còn sẵn sàng làm ngược lại người tiền nhiệm. Ông Donald Trump cam kết dành ưu tiên chính sách hàng đầu cho việc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và muốn lật ngược thoả thuận Mỹ đã ký với Iran về giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Vì thế, Tổng thống Donald Trump cần cả Saudi Arabia lẫn Israel làm hạt nhân và trụ cột cho những tập hợp lực lượng ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Mặt khác, Tổng thống Donald Trump dùng chuyến công du nước ngoài đến Saudi Arabia đầu tiên và những cuộc gặp cấp cao nói trên ở nơi này để tranh thủ thế giới Hồi giáo.

Bán vũ khí cho Saudi Arabia và các đồng minh quân sự khác ở vùng Vịnh đem lại nguồn lợi lớn cho Mỹ, nhưng đồng thời cũng còn là cách Mỹ dùng để tập hợp lực lượng và ràng buộc họ vào liên kết quân sự với Mỹ. Mỹ bán vũ khí cho họ để rồi dùng họ phục vụ cho mục đích và lợi ích của Mỹ ở khu vực như chống IS hay đối phó Iran. Chẳng có bên nào vô tư. Chẳng có chuyện bên này làm thế vì yêu quý bên kia, mà tất cả vì lợi ích riêng, vì bắt buộc phải như thế. Và có đi có lại như vậy mới có thể toại được lòng nhau. NGẠC NGƯ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn