MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở Mátxcơva, ngày 18.2.2022. Ảnh: Kremlin

Tổng thống Nga Putin có chuyến thăm hiếm hoi tới Belarus

Song Minh LDO | 19/12/2022 18:31
Ngày 19.12, Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Belarus đầu tiên kể từ năm 2019, nơi ông sẽ gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa hai tổng thống Nga - Belarus sẽ bao gồm "thảo luận về mối quan hệ song phương, hợp tác thương mại và kinh tế, một phần các vấn đề về hội nhập". 

Theo các chuyên gia được tờ Vedomosti phỏng vấn, cuộc gặp của Tổng thống Putin với Tổng thống Lukashenko sẽ làm nổi bật mối quan hệ độc đáo giữa Nga và Belarus.

"Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Putin tới Belarus sau 3 năm mang ý nghĩa biểu tượng và chính trị lớn. Đây sẽ là một chuyến thăm hiếm hoi khi tổng thống Nga đến với bạn bè và đồng minh" - ông Nikolay Mezhevich, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Belarus tại Viện Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, tin tưởng.

Còn theo nhà nghiên cứu Dmitry Ofitserov-Belsky tại Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO), cuộc gặp diễn ra trên đất Belarus sau một loạt chuyến thăm của Tổng thống Lukashenko tới Mátxcơva, Sochi và St. Petersburg là rất quan trọng, để Belarus không bị ấn tượng họ chỉ là một "đối tác cấp dưới" đang tìm kiếm những ưu đãi mới từ Nga.

Trong khi đó, ông Mezhevich tin rằng chuyến thăm của Tổng thống Putin chỉ ra mối quan hệ đặc biệt giữa Mátxcơva và Minsk. Vì vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm, các cuộc thảo luận sẽ không chỉ tập trung vào lịch trình hội nhập của ngành khí đốt - điều mà Tổng thống Lukashenko đã phàn nàn và yêu cầu tìm ra các bên chịu trách nhiệm - mà còn về các vấn đề nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, cùng với các vấn đề hội nhập kinh tế khác, cũng như tỷ giá hối đoái. 

Vị chuyên gia này cho rằng việc ông Lukashenko đề cập đến việc không thể phát triển một thị trường khí đốt thống nhất cho thấy ông lo ngại về mục tiêu cân bằng giá nhiên liệu ở hai nước.

Theo ông Ofitserov-Belsky, các vấn đề an ninh sẽ được giải quyết ở Minsk, nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu. Các vấn đề chính sách đối ngoại sẽ được thảo luận, cụ thể là tư cách thành viên của Belarus trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), cũng như khả năng trở thành thành viên của Belarus trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn