MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) tiếp tổng thư ký công đoàn CGT Philippe Martinez (P), tại Phủ tổng thống, Paris, 23.05.2017. Ảnh RFI

Tổng thống Pháp đối thoại với công đoàn về cải cách Luật Lao động

HÀ LIÊN LDO | 25/05/2017 11:00
Ngày 23.5, tức là chỉ 16 ngày sau khi đắc cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu thảo luận với công đoàn về cải cách Luật Lao động như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử.

Trong cuộc đối thoại kéo dài 10 giờ đồng hồ với 8 đại diện các nghiệp đoàn lao động và các nhóm chủ doanh nghiệp, Tổng thống Pháp giải thích chiến lược cải cách Luật Lao động. Ông cho rằng tỉ lệ thất nghiệp kinh niên của Pháp sẽ không thể giảm bớt trừ khi giới chủ doanh nghiệp bớt sợ những khoản chi phí cao nếu họ sa thải nhân viên. Tổng thống Emmanuel Macron muốn có một mức trần bồi thường thiệt hại đối với những vụ sa thải không công bằng. Nhưng tất cả các nghiệp đoàn, trong đó có Liên đoàn Dân chủ Lao động (CFDT) lớn nhất của Pháp cho biết, mức trần bồi thường là “giới hạn đỏ” với họ.

Để cải cách Luật Lao động, dự kiến sẽ diễn ra các cuộc thương lượng giữa các công ty về thời gian và điều kiện làm việc. Các nghiệp đoàn phản đối mạnh mẽ vì nó làm suy yếu sức mạnh của các thỏa ước từng lĩnh vực. Trong khi đó, ông Emmanuel Macron muốn khuyến khích các thỏa ước nội bộ, chẳng hạn cho phép chủ sử dụng lao động tổ chức trưng cầu cho nhân viên. Tổng thống Pháp cũng muốn giảm số lượng các nhóm đại diện cho người lao động trong các công ty, bao gồm ít nhất 3 loại uỷ ban khác nhau.

Philippe Martinez - lãnh đạo của Công đoàn CGT có lập trường cứng rắn nhất - gọi kế hoạch cải cách của ông Emmanuel Macron là làm luật bằng chỉ thị với tốc độ “không thể chấp nhận được”, và nói rằng, việc bãi bỏ quy định lao động không tác động gì đến tỉ lệ thất nghiệp. Các nghiệp đoàn muốn kéo dài quá trình cải cách Luật Lao động, trong khi ông Emmanuel Macron muốn đẩy nhanh với hy vọng đưa ra dự thảo trong mùa hè này, sau đó trình Quốc hội thông qua trong tháng 9.

Đối với Liên minh Châu Âu EU, khả năng cải cách Luật Lao động của Tổng thống Emmanuel Macron được xem là một phép thử về sự tín nhiệm của ông như một “nhà cải cách Châu Âu”. Đức đặc biệt nhấn mạnh, ông Emmanuel Macron phải lập trật tự ở Pháp trước, sau đó mới có thể giải quyết các vấn đề của Châu Âu. Trong khi đó, nhiều người lo ngại quá trình cải cách Luật Lao động của ông Emmanuel Macron có thể vấp phải sự phản đối của công chúng như khi cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Francois Hollande tiến hành cải cách lương hưu và viết lại Luật Lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn