MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) thăm Mátxcơva và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7.2.2022. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp tái nhấn mạnh đảm bảo an ninh cho Nga

Song Minh LDO | 21/12/2022 09:51

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc lại quan điểm về việc đảm bảo an ninh cho Nga để giải quyết cuộc xung đột với Ukraina.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định niềm tin rằng cuộc xung đột ở Ukraina chắc chắn sẽ được giải quyết trên bàn đàm phán. Phương Tây nói chung và NATO nói riêng sẽ phải đưa ra các đảm bảo an ninh không chỉ cho Kiev mà cả Mátxcơva để có được hòa bình lâu dài.

“Ngày hòa bình sẽ liên quan đến các cuộc đàm phán. Trước tiên và quan trọng nhất là các đảm bảo cho Ukraina, cho sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh lâu dài của nước này. Với Nga cũng vậy, Nga là một bên sẽ tham gia hiệp ước đình chiến và hòa bình” - Tổng thống Macron nói trong cuộc phỏng vấn với các kênh TF1 và LCI phát sóng hôm 20.12.

Nhà lãnh đạo Pháp lần đầu lên tiếng về ý tưởng bảo đảm an ninh cho Nga hồi đầu tháng 12, nhấn mạnh một trong những “điểm cốt yếu” mà NATO phải giải quyết là mối lo ngại của Mátxcơva rằng khối quân sự này “đến ngay cửa ngõ nhà mình và triển khai vũ khí có thể đe dọa Nga”.

Những bình luận của ông Macron gây ra một loạt chỉ trích không chỉ từ Kiev mà cả các nhà lãnh đạo EU từ Ba Lan, Slovakia và các quốc gia vùng Baltic.

Các nhà ngoại giao Pháp cố gắng nhấn mạnh rằng bình luận của ông Macron bị đưa ra "ngoài ngữ cảnh", trong khi chính nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi các đồng minh Châu Âu không "tạo ra tranh cãi không đáng có".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7.2.2022 tại Mátxcơva. Ảnh: AFP

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất, Tổng thống Macron kêu gọi những người chỉ trích giải thích phương án nào có thể thay thế phương án đàm phán với Mátxcơva.

“Đề xuất của những người từ chối đàm phán là chiến tranh toàn diện, điều đó sẽ liên quan đến toàn bộ lục địa” - ông Macron nói.

Tháng 12 năm ngoái, Nga đã đưa ra danh sách các yêu cầu an ninh với Mỹ và NATO, yêu cầu phương Tây áp đặt lệnh cấm Ukraina gia nhập khối quân sự, đồng thời nhấn mạnh rằng NATO nên rút lui về biên giới năm 1997 trước khi bắt đầu mở rộng.

Vào tháng 1, Mỹ và NATO từ chối, tuyên bố sẽ chỉ quan tâm đến các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí chiến lược. Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraina leo thang vào tháng 2, NATO cũng đã rộng cửa chào đón Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự, mặc dù việc kết nạp vẫn chưa được hoàn tất.

Trong một diễn biến khác, CNN đưa tin, ngày 21.12, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và Tổng thống Joe Biden dự kiến gặp nhau tại Nhà Trắng trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Zelensky kể từ khi xung đột Nga - Ukraina bắt đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn