MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP

Tổng thống Trump phủ quyết Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng

Khánh Minh LDO | 24/12/2020 08:02
Tổng thống Donald Trump phủ quyết Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng (NDAA) hằng năm trị giá 740 tỉ USD, trả lại Quốc hội.

AFP đưa tin, Tổng thống Donald Trump tuyên bố phủ quyết Đạo luật Uỷ quyền quốc phòng (NDAA) vào ngày 23.12, thực hiện cam kết trước đó là trả NDAA cho Quốc hội để làm lại.

NDAA "không bao gồm các biện pháp an ninh quốc gia quan trọng, bao gồm các điều khoản không tôn trọng các cựu chiến binh và lịch sử quân đội, đi ngược lại các nỗ lực của chính quyền của tôi nhằm đặt nước Mỹ lên trên hết trong các hành động chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia" - Tổng thống Donald Trump nói trong một tuyên bố.

NDAA, đạo luật phân bổ ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2021, đã được thông qua tại cả hai viện của Quốc hội với sự ủng hộ của lưỡng đảng, như đã từng được ủng hộ trong 59 năm liên tiếp. NDAA được Thượng viện thông qua với đa số phủ quyết, vì vậy các thượng nghị sĩ bây giờ sẽ trở lại Đồi Capitol sau Giáng sinh để sửa đổi luật hoặc bỏ phiếu để bác quyền phủ quyết của tổng thống.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết sẽ triệu tập cuộc họp vào ngày 28.12 để bỏ phiếu bác quyền phủ quyết.

Nguyên nhân chính khiến ông Donald Trump phủ quyết đạo luật là do đạo luật không bãi bỏ mục 230 - mục bảo vệ các công ty công nghệ như Google, Facebook và Twitter khỏi trách nhiệm pháp lý đối với những gì xuất hiện trên nền tảng của họ.

Ngoài ra, trong đạo luật còn có những điều khoản ngăn cản tổng thống rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan mà không có sự chấp thuận của Quốc hội, và cho phép đổi tên các căn cứ quân sự của Mỹ đang đặt theo tên của các chỉ huy Liên minh miền Nam thời Nội chiến tại Mỹ.

Mặc dù NDAA đã được Quốc hội thông qua hàng năm trong gần 6 thập kỷ, ông Donald Trump không phải là tổng thống đầu tiên phủ quyết. Năm 2015, Tổng thống Barack Obama cũng đã phủ NDAA.

Trước ông Obama, NDAA bị phủ quyết bốn lần, bởi Jimmy Carter năm 1978, Ronald Reagan năm 1988, Bill Clinton năm 1996 và George W. Bush năm 2007.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn