MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Băng tan ở Bắc cực ảnh hưởng đến tốc độ quay của Trái đất. Ảnh: AP

Trái đất đang quay chậm lại, ngày đang dài hơn

Ngọc Vân LDO | 29/03/2024 09:27

Các nhà khoa học chỉ ra yếu tố khiến Trái đất đang quay chậm lại và ngày trở nên dài hơn.

Theo một báo cáo trên tạp chí khoa học Nature, sự tan chảy của các chỏm băng ở hai cực đang chuyển trọng lượng của Trái đất về phía xích đạo và làm chậm quá trình quay của Trái đất. Báo cáo cảnh báo rằng sự chậm lại này có thể gây biến dạng về thời gian.

Nhân loại phụ thuộc vào mạng lưới gồm 450 đồng hồ nguyên tử để duy trì Giờ Phối hợp Quốc tế (UTC). Điện toán mạng, định vị toàn cầu và thị trường tài chính đều cần phép đo thời gian chính xác này để hoạt động.

Tuy nhiên, vòng quay của Trái đất không phải lúc nào cũng đồng bộ với tiêu chuẩn chính thức UTC, bởi lực hấp dẫn từ mặt trời và mặt trăng, sự thay đổi tốc độ quay của lõi hành tinh và động đất đều có thể tăng tốc hoặc làm chậm thời gian.

Nhà địa vật lý Duncan Agnew giải thích trên tạp chí Nature rằng, mối đe dọa mới nhất đối với UTC đến từ việc băng tan ở Greenland và Nam Cực. Sử dụng các phép đo hấp dẫn dựa trên vệ tinh, Agnew và nhóm của ông tại Đại học California đã phát hiện ra rằng băng tan lắng xuống dưới dạng nước xung quanh phần giữa Trái đất, và sự thay đổi khối lượng này làm chậm tốc độ quay của hành tinh.

Kể từ khi UTC được thông qua vào năm 1963, một nhóm các nhà khoa học toàn cầu đã thêm 27 “giây nhuận” để giải thích cho sự quay chậm lại của Trái đất. Tuy nhiên, Trái đất đã quay nhanh hơn trong những năm gần đây và các nhà khoa học đã cân nhắc việc giảm đi 1 giây vào năm 2026.

Theo nghiên cứu của Agnew, sự chậm lại của hành tinh có nghĩa là quyết định này giờ đây sẽ không cần thiết cho đến năm 2029.

Agnew viết: “Nếu tốc độ tan băng ở vùng cực không tăng nhanh gần đây thì vấn đề này đã xảy ra sớm hơn ba năm. Sự nóng lên toàn cầu đã ảnh hưởng đến việc tính toán thời gian toàn cầu".

Băng tan sẽ gây ra một loạt vấn đề, có thể nhấn chìm nhiều khu vực. Ảnh: AP

Bất kể giây này bị trừ đi khi nào, các nhà khoa học cũng không chắc việc đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống máy tính và mạng.

Agnew viết: “Các dịch vụ web khác nhau hiện xử lý các giây nhuận theo cách khác nhau. Nhiều hệ thống hiện có phần mềm có thể chấp nhận thêm 1 giây, nhưng rất ít hệ thống cho phép loại bỏ 1 giây, do đó, giây nhuận âm được cho là sẽ gây ra nhiều khó khăn”.

Bên cạnh tác động đến việc đo thời gian, sự tan chảy của các chỏm băng được cho là sẽ gây ra một loạt vấn đề và cơ hội trên khắp thế giới. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp xấu nhất, mực nước biển dâng 10-100 cm vào năm 2100 có thể nhấn chìm toàn bộ quần đảo Maldives.

Mặt khác, băng Bắc Cực tan dọc theo bờ biển phía bắc của Nga có thể mở ra Tuyến đường biển phía Bắc cho giao thông hàng hải quanh năm, cắt giảm gần một nửa thời gian hành trình từ Trung Quốc đến châu Âu và giúp Nga kiểm soát một tuyến đường vận chuyển sinh lợi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn