MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) được Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg chào đón tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, D.C, ngày 10.7.2024. Ảnh: AFP

Trấn an đồng minh, răn đe đối thủ

Hạ Lang LDO | 13/07/2024 06:15

Bên lề cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của NATO ở Mỹ, Mỹ và Đức công bố thỏa thuận về việc Mỹ lại triển khai tên lửa tầm xa trên lãnh thổ Đức. Có ba điều rất đáng được chú ý ở sự việc này.

Thứ nhất, lần đầu tiên kể từ sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh ở châu Âu trong thế kỷ trước, Mỹ lại triển khai tên lửa tầm xa ở châu Âu. Những loại tên lửa tầm xa này của Mỹ có thể phóng từ nước Đức nhằm tới các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga, vươn tới cả Thủ đô Mátxcơva và thành phố St.Petersburg của Nga. Chúng đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho dù trước mắt mới chỉ nhằm được sử dụng như vũ khí thông thường.

Về bản chất, việc Mỹ triển khai những tên lửa tầm xa này ở châu Âu vi phạm thỏa thuận về giải trừ quân bị (Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung - INF) mà Mỹ đã ký kết với Liên Xô hồi năm 1987. Năm 2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương chấm dứt INF nên bây giờ Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden không gặp khó khăn gì với việc lại triển khai tên lửa tầm xa ở châu Âu.

Thứ hai, việc này là thỏa thuận riêng giữa Mỹ và Đức chứ không phải là quyết định chung của NATO. Mỹ và Đức chọn cách làm này để vụ việc không bị coi là chuyện giữa NATO và Nga, tránh gây bất đồng quan điểm trong nội bộ NATO, mà đồng thời vẫn có được hiệu ứng chính trị, tâm lý và quân sự như một quyết sách chung của NATO.

Thứ ba, cùng với tuyên bố của Mỹ và Đức về việc triển khai tên lửa tầm xa ở Đức, phía Đức cùng với Pháp và Ba Lan cho biết, đã thỏa thuận hợp tác phát triển tên lửa tầm xa để có thể không còn phải dựa cậy vào tên lửa tầm xa của Mỹ nữa. Bằng cách này, các thành viên NATO ở châu Âu nhấn mạnh việc Mỹ lại triển khai tên lửa tầm xa ở châu Âu chỉ là giải pháp tình thế, nên ông Trump dẫu rồi đây có trở lại cầm quyền ở Mỹ cũng sẽ khó phản đối và đảo ngược.

Ông Biden muốn trấn an các đồng minh ở châu Âu trong khi các đồng minh này ràng buộc Mỹ chặt chẽ hơn vào cam kết đảm bảo an ninh cho đồng minh ở châu Âu. Và tất cả đều nhằm cảnh báo, răn đe và đối phó Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn