MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP

Triển vọng Mỹ dỡ bỏ thuế quan hàng hóa Trung Quốc

Ngọc Vân LDO | 06/07/2022 07:35

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen có cuộc trao đổi trực tuyến "thực dụng, thẳng thắn" hôm 5.7, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là đang cân nhắc dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc để kiềm chế lạm phát cao kỷ lục trong 40 năm ở Mỹ.

Cuộc trao đổi “thực dụng và thẳng thắn”

Tân Hoa xã đưa tin, trong thảo luận trực tuyến theo yêu cầu của phía Mỹ, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã trao đổi “thực dụng và thẳng thắn” với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen về các vấn đề kinh tế và thuế quan. Đây là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 10 năm ngoái.

Theo Tân Hoa xã, hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề như tình hình kinh tế vĩ mô, sự ổn định của chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai bên cho rằng nền kinh tế thế giới hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt, do đó việc tăng cường thông tin liên lạc và phối hợp các chính sách vĩ mô của hai nước, cũng như cùng nhau duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp toàn cầu có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ cũng như toàn thế giới. Phía Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc Mỹ áp đặt thuế với hàng hóa Trung Quốc và trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc. Hai bên nhất trí duy trì đối thoại và liên lạc.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Trung Quốc và Mỹ đã hết hạn vào tháng 12, trong đó chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan với hơn 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc.

Thông báo về cuộc đối thoại, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, hai bên đã thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô và tài chính của Mỹ và Trung Quốc, triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh giá hàng hóa tăng cao và những thách thức về an ninh lương thực. Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh, cuộc trao đổi là "một phần trong nỗ lực không ngừng của chính quyền nhằm duy trì các đường dây liên lạc mở".

“Bộ trưởng Yellen đã thẳng thắn đưa ra các vấn đề quan tâm bao gồm tác động của xung đột Nga-Ukraina đối với nền kinh tế toàn cầu và các hoạt động kinh tế không công bằng, phi thị trường của Trung Quốc. Bộ trưởng Yellen lưu ý, bà mong chờ các cuộc thảo luận tiếp theo với Phó Thủ tướng Lưu Hạc" - tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cho hay.

Triển vọng dỡ bỏ thuế

Vào tháng 5, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo đã bắt đầu quy trình theo luật định để cuối cùng có thể dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngày 4.7, Bloomberg đưa tin, Tổng thống Joe Biden có thể thông báo ngay trong tuần này về dỡ bỏ một số thuế quan của Mỹ đối với hàng tiêu dùng Trung Quốc. Ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng quyết định đó sẽ đánh dấu bước đi chính sách quan trọng đầu tiên của ông về quan hệ thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. 

Trong những tuần gần đây, ông Biden đã tổ chức một số cuộc họp với các cố vấn kinh tế cấp cao để thảo luận về vấn đề thuế quan thời ông Trump. Chính quyền ông Biden được cho là đang xem xét nới lỏng một số mức thuế đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trong nỗ lực tìm cách kiềm chế lạm phát và giá cả đang tăng nhanh.

Tháng trước, Tổng thống Biden cho biết, sẽ sớm thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời nói với báo giới rằng ông đang cân nhắc xem xét có nên dỡ thuế hay không. Một số thành viên trong nội các của ông Biden đề nghị tổng thống sử dụng cuộc điện đàm sắp tới với ông Tập Cận Bình để yêu cầu Trung Quốc cắt giảm thuế quan tương ứng đối với hàng hóa Mỹ hiện đang phải chịu thuế nhập khẩu. Một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết, không có quyết định nào về thuế quan được đưa ra nhưng chính quyền muốn đảm bảo rằng chúng phù hợp với các ưu tiên "kinh tế và chiến lược" và không tăng chi phí cho người Mỹ một cách không cần thiết.

Mặc dù vậy, nội bộ chính quyền ông Biden được cho là đang chia rẽ về việc có nên bỏ thuế hay không, theo tờ Financial Times. Một nhóm - bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen - lập luận rằng việc dỡ thuế sẽ giúp giảm lạm phát. Nhưng một nhóm khác - bao gồm Đại diện thương mại Mỹ - lo ngại rằng việc cắt giảm thuế quan sẽ làm giảm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc về điều mà Washington coi là các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh. Một nhóm khác đề xuất dỡ bỏ hoặc giảm thuế đối với một số mặt hàng tiêu dùng, nhưng bổ sung hoặc tăng thuế đối với các sản phẩm khác. Nhà Trắng hy vọng một số phương pháp tiếp cận kép sẽ giúp hạ giá cả cho người tiêu dùng, đồng thời giúp ông Biden tránh khỏi tác động chính trị trước cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới.

Nhưng các công ty không cảm thấy quá lạc quan. Myron Brilliant, người đứng đầu chính sách quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ, cho biết việc cắt giảm thuế quan có thể giúp ích cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ đang bị thiệt hại vì lạm phát. “Chúng tôi thấy dấu hiệu họ sẽ thực hiện các bước để giảm một số thuế quan, nhưng liệu nó có đủ lớn và đủ sâu? Chúng ta sẽ chờ xem” - Brilliant nói.

Tổng thống Biden đang chịu áp lực từ các liên đoàn lao động - một trong những khu vực bầu cử cốt lõi của ông - để duy trì thuế. Trong một lá thư gần đây gửi USTR, Ủy ban Tư vấn Lao động - kênh chính thức của công đoàn tư vấn cho USTR về thương mại - cho biết, Trung Quốc đã không làm gì để đảm bảo dỡ bỏ thuế quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn