MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị Thượng đỉnh G20 ra tuyên bố chung cam kết phân phối vaccine COVID-19 công bằng cho mọi người. Ảnh: BNG

Triển vọng tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng trên toàn cầu

Khánh Minh LDO | 25/11/2020 08:03

Các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 22.11 với cam kết sẽ không tiếc nỗ lực cung cấp thuốc, xét nghiệm và vaccine COVID-19 với giá cả phải chăng và công bằng cho tất cả mọi người.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do đại dịch xảy ra, những kết quả đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được xem là bước tiến tích cực, góp phần thúc đẩy hợp tác nhằm ngăn chặn dịch bệnh và khôi phục kinh tế.

Không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã kéo lùi thành quả phát triển của thế giới hàng thập kỷ, đẩy hàng chục triệu người rơi vào nghèo đói. Dịch bệnh, thiên tai, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, đói nghèo, khoảng cách số, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước vẫn là những thách thức toàn cầu mà không riêng một quốc gia nào có thể xử lý được.

Để vượt qua thách thức, các quốc gia cần đoàn kết, xây dựng lòng tin, thực tâm hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung hướng tới phát triển bền vững, bao trùm và không để một quốc gia hay người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng kêu gọi G20 cùng với sự hợp tác của Liên Hợp Quốc, WB, IMF, WTO… cần tích cực kiến tạo những nền tảng phát triển mới, như chuyển đổi nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… để vượt qua thách thức và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.

Cam kết tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng

Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận toàn cầu đối với vaccine, thuốc và xét nghiệm COVID-19. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người, phù hợp với cam kết của các thành viên trong việc khuyến khích đổi mới”, tuyên bố cho biết trong bối cảnh có những lo ngại rằng người dân các nước nghèo nhất thế giới khó có thể tiếp cận vaccine. Cũng có lo ngại rằng các quốc gia như Anh, Mỹ, Pháp và Đức đã trực tiếp đàm phán các thỏa thuận với các công ty dược phẩm, có nghĩa là phần lớn nguồn cung cấp vaccine của thế giới trong năm tới đã được mua hết.

G20 bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực như COVAX, một sáng kiến ​​quốc tế nhằm phân phối vaccine COVID-19 cho các quốc gia trên toàn thế giới. Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu với báo giới tại Berlin sau hội nghị thượng đỉnh rằng Đức đã hỗ trợ tài chính cho sáng kiến ​​COVAX, nhưng cần nhiều tiền hơn nữa.

Tuyên bố của G20 không trực tiếp đề cập đến lời kêu gọi khẩn cấp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, người cho biết cần phải đầu tư thêm 28 tỉ USD để sản xuất hàng loạt, mua sắm và cung cấp vaccine COVID-19 mới trên khắp thế giới, bao gồm 4 tỉ USD ngay lập tức.

“May mắn thay, bây giờ đã có hy vọng cho vaccine. Điều quan trọng là không chỉ Châu Âu đảm bảo vaccine, như Liên minh Châu Âu đang làm hiện nay, mà… điều quan trọng là toàn thế giới được tiếp cận vaccine” - bà Merkel nói và cho biết, điều quan trọng là COVAX bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất vaccine tiềm năng dựa trên số tiền mà họ đã có, nhưng bà có phần lo lắng rằng các cuộc đàm phán vẫn chưa diễn ra.

Quốc vương Salman của nước chủ nhà Saudi Arabia phát biểu bế mạc hội nghị rằng, tuyên bố chung của G20 “đã thành công trong việc gửi đi một thông điệp về hy vọng và trấn an cho công dân của chúng ta và tất cả mọi người trên thế giới”.

Trong những dấu hiệu lạc quan về vaccine, ngày 23.11, Đại học Oxford của Anh và hãng dược AstraZeneca cho biết, vaccine COVID-19 của hãng có hiệu quả trung bình 70%. Sarah Gilbert, giáo sư về tiêm chủng tại Đại học Oxford, nói: “Thông báo ngày hôm nay đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa đến thời điểm chúng ta có thể sử dụng vaccine để chấm dứt sự tàn phá do COVID-19 gây ra".

Cũng trong tháng này, hai vaccine của Pfizer và Moderna đã cho thấy hiệu quả từ 90-95%. Một loạt vaccine COVID-19 đang được phát triển ở Mỹ, bao gồm vaccine của Pfizer và Moderna, dự kiến sẽ được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh CDC và Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng phê duyệt vào ngày 10.12. Sau đó, 20 triệu liều vaccine COVID-19 có thể được phân phối mỗi tháng từ tháng 12 và nửa năm nữa Mỹ có thể đạt miễn dịch cộng đồng - Tiến sĩ Moncef Slaoui, cố vấn chính của chiến dịch vaccine thần tốc "Warp Speed", nói với CNN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn