MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Máy bay ném bom B-1B Lancer được triển khai đến căn cứ không quân Andersen ở Guam. Ảnh: Stars and Stripes.

Triều Tiên liệu có “dễ xơi” đảo bé hạt tiêu Guam?

V.A LDO | 09/08/2017 17:52
Việc Triều Tiên "để mắt" chọn đảo Guam, lãnh thổ có chủ quyền nhưng chưa được hợp nhất của Mỹ để doạ tấn công, không làm 160.000 người dân trên hòn đảo này ngạc nhiên.

Lịch sử lâu đời

Nằm cách Hawaii 3.300 dặm về phía tây, cách Triều Tiên hơn 2.000 dặm, hòn đảo "bé hạt tiêu" Guam (chỉ 541 km2) có vị trí chiến lược trong sức mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương. Hòn đảo này là nơi đặt căn cứ không quân, hải quân của Mỹ; hải cảng của hạm đội tàu ngầm hạt nhân; nhà của lực lượng đặc nhiệm, và là nơi xuất kích các chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược thực hiện nhiệm vụ trên toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.

Guam trở thành tiền đồn chiến lược của Mỹ sau khi Tây Ban Nha và Mỹ xung chiến vào cuối thế kỷ 19, kết quả Tây Ban Nha nhượng đứt Philippines và Guam cho Mỹ năm 1898. Mỹ từ đó dùng đảo Guam làm trạm tiếp tế cho tàu chiến hải quân khi vượt đại dương đi lại sang Philippines.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, quân đội đế quốc Nhật Bản tiến chiếm Guam ngày 8.12.1941. Vì được dự đoán trước, Mỹ đã di tản phần lớn kiều dân khỏi đảo.

Ngày 21.7.1944, Mỹ mở cuộc tái chiếm Guam. Giao tranh ác liệt, Nhật phải rút lui. Sau chiến tranh, Mỹ thông qua Đạo luật Tổ chức Guam năm 1950 nhằm thiết lập Guam như một lãnh thổ có tổ chức nhưng chưa sáp nhập của Mỹ. Đây là cơ chế pháp lý ở Guam, thiết lập guồng máy hành chính và trao quyền công dân Mỹ cho cư dân Guam.

Tuần dương hạm USS Topeka ở Guam. Ảnh: Naval Today

Tiền đồn quân sự dày đặc

Hai máy bay ném bom B1-Lancer đã đến Guam từ Nam Dakota trong tuần này để thực hiện nhiệm vụ chung với máy bay Hàn Quốc và Nhật Bản. Các chuyến bay nhằm đáp trả vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lần thứ hai của Triều Tiên, loại tên lửa mà giới chuyên gia cảnh báo có thể bắn tới New York.

Tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của Guam, theo ông Underwood, là do vị thế chủ quyền của hòn đảo này. Trong trường hợp có leo thang quân sự, Mỹ cần tham vấn các quốc gia đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản để tập hợp lực lượng và vũ khí, một quá trình có thể mất nhiều thời gian. Nhưng ở Guam, Mỹ có thể dùng sức mạnh ngay lập tức - ông Underwood nói.

Guam cũng là nơi đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD nhằm mục tiêu tiêu diệt các tên lửa đạn đạo. Sự hiện diện của THAAD ở Hàn Quốc khiến Triều Tiên và Trung Quốc phản đối, vì coi đây là hành động leo thang.

Các phương tiện truyền thông Triều Tiên thường cảnh báo tấn công Mỹ, nhưng những mối đe doạ thường không rõ ràng không bao gồm các mục tiêu cụ thể như Guam - tờ Wall Street Journal cho hay.

Chưa rõ liệu Lầu Năm Góc hôm 8.8 đã nâng cao tư thế sẵn sàng chiến đấu của hạm đội tàu chiến và máy bay ở Guam sau lời đe doạ của Triều Tiên hay chưa.

Tuy nhiên, ông Johnny Michael, phát ngôn viên cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, tuyên bố: "Chúng tôi luôn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao độ và khả năng chống lại bất cứ mối đe doạ nào, kể cả từ Triều Tiên".

Guam hiện có 6.000 binh sĩ Mỹ, nhưng Lầu Năm Góc dự kiến sẽ đưa thêm hàng nghìn quân đến hòn đảo này nhằm tái cân bằng lực lượng ở Thái Bình Dương, trong bối cảnh đe doạ từ Triều Tiên ngày càng tăng.

"Guam luôn là một phần trung tâm trong kế hoạch của chúng tôi, chắc chắn là một phần trung tâm trong các kế hoạch của hải quân và giờ là của toàn bộ Bộ Quốc phòng Mỹ" - ông Michael khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn