MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP

Trong quyết định, ngoài quan ngại

Ngạc Ngư LDO | 15/05/2023 08:10
Cuộc bầu cử quốc hội diễn ra cùng ngày với cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 14.5.2023), nhưng nó bị che phủ hoàn toàn bởi cuộc bầu cử tổng thống. 

Lần đầu tiên kể từ gần 20 năm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng rất thực tế là tổng thống đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan bị thất cử và lần đầu tiên phe đối lập đánh bại phe cầm quyền trong cả cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội.

Nếu kết quả bầu cử thật sự đưa lại sự thay đổi chính phủ thì cũng có nghĩa là đổi thế, chuyển thời ở đất nước này, chuyển thời thật sự cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, vì phe đối lập sẽ theo đuổi chính sách đối nội và chính sách đối ngoại rất khác chính sách đối nội và đối ngoại của ông Erdogan.

Đối thủ chính trị đáng gờm nhất của ông Erdogan là ứng cử viên tổng thống của 6 đảng phái chính trị đối lập, ông Kemal Kilicdaroglu. 

Ngoài ông Kilicdaroglu còn có 2 ứng cử viên khác nữa cùng nhảy vào cuộc tranh đua quyền lực với ông Erdogan. Một ngày trước ngày bầu cử, một trong hai ứng cử viên ấy đã rút lui. Nhờ đó, cơ hội đắc cử của ông Kilicdaroglu trở nên thêm sáng sủa và thêm thực tế.

Ông Erdogan cầm quyền liên tục suốt 20 năm qua, lúc đầu là Thủ tướng và về sau là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng lần đầu tiên trong suốt chặng thời gian dài ấy không là ứng cử viên sáng giá nhất và chắc thắng nhất trong vận động tranh cử. 

Nếu không ứng cử viên nào đạt được quá 50% phiếu bầu của cử tri trong lần bỏ phiếu ngày 14.5.2023 thì hai ứng cử viên giành về được tỉ lệ phiếu bầu cao nhất sẽ phải phân chia thắng bại ở vòng bầu cử thứ hai. Cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ được cả trong lẫn ngoài đất nước này quan tâm, theo dõi đặc biệt vì cho rằng, kết quả bầu cử có ý nghĩa định mệnh đối với tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu ông Erdogan tái đắc cử thì quá trình Hồi giáo hóa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tiếp tục mà hệ luỵ trực tiếp của nó là sự phân hoá về chính trị và xã hội ở đất nước này sẽ càng thêm trầm trọng, mâu thuẫn và đối kháng về chính trị và xã hội nội bộ càng thêm quyết liệt. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không yên bình về đối nội và tiếp tục khó xử về đối ngoại.

Nếu ông Kilicdaroglu đắc cử thì sẽ chấm dứt thời đại của ông Erdogan trên danh nghĩa chính thức, nhưng việc chấm dứt thời đại này trong thực chất hoàn toàn không dễ dàng và nhanh chóng. Kể cả khi xảy ra kịch bản ông Erdogan bị phế truất quyền lực thì cũng không có nghĩa là ông Kilicdaroglu mở ra được ngay thời kỳ mới cho đất nước này.

Nguyên do là Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở trong tình trạng chính trị nội bộ và kinh tế xã hội khó khăn, phức tạp và nhạy cảm chưa từng thấy trong thời gian cầm quyền đến nay của ông Erdogan.

Kết quả bầu cử là quyết định của cử tri Thổ Nhĩ Kỳ và năm nay, lá phiếu của cử tri nước này có trọng lực đặc biệt khi quyết định tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ là sự tiếp tục của hai thập kỉ qua hay là ngoặt vào lối rẽ khác để không tiếp tục như trước nhưng không biết rồi tới đây sẽ như thế nào.

Bên ngoài, tức là các đối tác và đối thủ, cả đồng minh lẫn kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ không thể không quan ngại sâu sắc, bởi dù tiếp tục như trước hay khác trước thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đều khó ổn định chính trị và an ninh xã hội bền vững, bởi đột biến vẫn luôn có thể xảy ra. Thổ Nhĩ Kỳ liên quan trực tiếp tới NATO, EU, thế giới Hồi giáo, chính trị thế giới và khu vực, nên Thổ Nhĩ Kỳ chừng nào còn bất an và bất ổn về chính trị và xã hội thì chừng ấy vẫn tồn tại hoặc tiềm ẩn đầy rủi ro và thách thức an ninh đối với các bên ở ngoài Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn