MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cửa hàng bán giày ở Berlin, Đức. Ảnh: Xinhua

Trừng phạt Nga phản tác dụng với nền kinh tế lớn nhất EU

Ngọc Vân LDO | 04/09/2023 21:00

Các biện pháp trừng phạt Nga gây nguy hiểm cho Đức, nền kinh tế lớn nhất EU.

Bà Sevim Dagdelen, nghị sĩ Đức thuộc Đảng Cánh tả (Die Linke), cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã không thể gây bất ổn cho Nga và đang gây phản tác dụng đối với các quốc gia áp đặt trừng phạt, bao gồm cả Đức.

Trong bài bình luận đăng trên tờ Berliner Zeitung, nhà lập pháp tuyên bố nền kinh tế Nga đã vượt trừng phạt thành công và đang dần điều chỉnh theo thực tế kinh tế mới.

“Để hủy hoại nước Nga, người ta hy vọng rằng các biện pháp trừng phạt (vi phạm luật pháp quốc tế) sẽ có tác dụng lâu dài. Nhưng thực tế lại khác. Ngay cả ngành công nghiệp ôtô Nga cũng đang hồi phục. Các công ty Trung Quốc đang hỗ trợ các nhà sản xuất Đức rời khỏi Nga” - bà Dagdelen viết.

“Trái ngược với những gì được kỳ vọng, nước Nga vẫn chưa bị hủy hoại. Hậu quả của các lệnh trừng phạt là rõ ràng, nhưng là về phía chúng ta. Trong khi nền kinh tế Đức giảm 0,3% trong quý vừa qua và tình trạng trì trệ cũng đang đe dọa khu vực Eurozone thì Nga hiện được dự báo sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay” - nghị sĩ Đức viết.

Theo nhà lập pháp, các biện pháp trừng phạt đang củng cố sức mạnh của Nga, trong khi chính phủ Đức “đang hủy hoại nền kinh tế trong nước”.

Bà lưu ý, chính phủ liên bang hành động theo Mỹ, đồng thời cho rằng lạm phát hai con số ở Đức là sản phẩm của các biện pháp trừng phạt và “sự hỗ trợ quân sự chưa từng có cho Ukraina”.

Bà Dagdelen viết, cuộc chiến trừng phạt đã thúc đẩy quá trình phân phối lại vốn lớn nhất trong nước, theo đó các tập đoàn lớn tăng lợi nhuận trong khi người tiêu dùng bình thường ở Đức phải chịu cảnh giảm lương thực tế và khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Nhà lập pháp kêu gọi Berlin tránh xa Washington và NATO. Bà đề xuất mối quan hệ chặt chẽ hơn với BRICS - khối kinh tế gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. BRICS sẽ chiếm gần 40% GDP toàn cầu sau khi khối này chính thức kết nạp thành viên mới vào đầu năm tới.

Theo bà Dagdelen, Đức nên “phản ứng phù hợp với thế giới đa cực mới”.

“Đức và châu Âu cần một chính sách đối ngoại có chủ quyền không phụ thuộc vào Mỹ và NATO. Ủng hộ sáng kiến hòa bình BRICS sẽ là bước đầu tiên tiến tới chủ quyền dân chủ. Không có cuộc chiến nào là cuộc chiến của chúng ta, kể cả cuộc chiến này” - bà Dagdelen kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn