MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vaccine COVID-19 của công ty sinh học Trung Quốc CanSino Biologics. Ảnh: CanSino Biologics

Trung Quốc bất ngờ chặn lô vaccine COVID-19 gửi đi Canada thử nghiệm

Song Minh LDO | 31/07/2020 20:40
Thử nghiệm vaccine COVID-19 hàng đầu của Trung Quốc ở Canada bị đình trệ do hải quan Trung Quốc đang giữ lô vaccine trong nhiều tuần.

Bộ Y tế Canada đã phê duyệt thử nghiệm lâm sàng vaccine Ad5-nCoV, một loại vaccine COVID-19 tiềm năng được phát triển bởi công ty sinh học CanSino Biologics có trụ sở tại Thiên Tân và các nhà khoa học quân sự Trung Quốc, vào ngày 16.5.

Nhà khoa học phụ trách việc thử nghiệm - giáo sư Scott Halperin của Đại học Dalhousie - cho biết vào giữa tháng 5 rằng, ông dự kiến ​​giai đoạn đầu tiên trong 3 giai đoạn thử nghiệm sẽ bắt đầu vào cuối tháng đó. Nhưng 3 tuần trước, Halperin cho hay ông vẫn chưa nhận được vaccine để thử nghiệm.

Bộ Y tế Canada cho biết, lô vaccine đã bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc giữ lại - SCMP đưa tin.

Khi thỏa thuận về thử nghiệm lâm sàng vaccine được đưa ra vào tháng 5, nhiều nhà phân tích đã ngạc nhiên vì Trung Quốc và Canada vẫn đang căng thẳng về vụ bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vạn Chu, cũng như vụ bắt giữ 2 người Canada về tội gián điệp ở Trung Quốc và việc Bắc Kinh cấm nhập khẩu cải dầu và thịt của Canada.

Nhưng công ty CanSino có mối quan hệ rộng rãi với Canada. Người đồng sáng lập CanSino, ông Yu Xuefeng, làm việc tại Canada từ năm 1996 đến năm 2009, chủ yếu tại hãng dược phẩm Sanofi và CanSino đã làm việc với chính quyền Canada để phát triển vaccine Ebola khoảng 6 năm trước.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận. CanSino cũng từ chối bình luận vào ngày 30.7, nhưng trước đó, hôm 11.7, người đồng sáng lập công ty, ông Qiu Dongxu, đã phát biểu tại một cuộc hội thảo ở thành phố Tô Châu rằng, công ty đang đàm phán với Nga, Brazil, Chile và Saudi Arabia để thử nghiệm vaccine giai đoạn 3, với kế hoạch tuyển 40.000 tình nguyện viên.

Vaccine Ad5-nCoV đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc và được chấp thuận cho sử dụng quân sự ở nước này. Nhưng nó phải hoàn thành cả 3 giai đoạn ở Canada.

Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada (NRC) cho biết, họ vẫn đang làm việc với CanSino. “NRC tiếp tục hợp tác với các đối tác liên bang và CanSino Biologics để thúc đẩy quá trình thử nghiệm lâm sàng ứng cử viên vaccine COVID-19 Ad5-nCoV. Một khi Trung tâm Ung thư Canada nhận được vaccine, họ sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng cho CanSino, dưới sự giám sát theo quy định của Bộ Y tế Canada” - NRC cho hay.

Vào tháng 3, Ad5-nCoV là ứng cử viên vaccine đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm trên người ở Trung Quốc và là vaccine đầu tiên của Trung Quốc được một quốc gia khác chấp thuận cho thử nghiệm ở nước ngoài.

Các nhà phát triển vaccine Trung Quốc cần tiến hành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng ở nước ngoài vì việc lây nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đã quá thấp để kiểm tra hiệu quả của việc tiêm chủng.

CanSino đã công bố kết quả của các thử nghiệm giai đoạn 2 vào ngày 20.7, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông báo nào về giai đoạn thứ 3 và cuối cùng.

Các công ty dược phẩm khác của Trung Quốc đã ở giai đoạn cuối, với Sinopharm đang thử nghiệm ứng cử viên của mình ở Saudi Arabia và Sinovac thực hiện các thử nghiệm tại Brazil.

Tao Lina, một chuyên gia về vaccine Trung Quốc nhưng không tham gia vào nghiên cứu của CanSino, cho hay, ông không rõ lý do của việc hải quan Trung Quốc “ngâm” lô vaccine, nhưng ông tỏ ra bi quan về triển vọng của các thử nghiệm vì mối quan hệ căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc.

Tao cho biết, sẽ hợp lý khi CanSino cân nhắc thực hiện các thử nghiệm ở một quốc gia khác.

“Quan hệ với một quốc gia rất quan trọng đối với sự hợp tác quốc tế như thử nghiệm lâm sàng. Các quốc gia làm việc với Trung Quốc trong các thử nghiệm lâm sàng có khả năng được ưu tiên tiếp cận vaccine và cũng có thể được phép sản xuất vaccine” - ông Tao nói.

Tại Canada, thượng nghị sĩ Doug Black cho biết, sự chậm trễ trong các thử nghiệm của CanSino cho thấy chính phủ cần hỗ trợ nghiên cứu vaccine trong nước.

“Sự chậm trễ này nhấn mạnh sự cần thiết để Canada theo đuổi một giải pháp phòng ngừa COVID-19 cho chính mình. Chúng ta cần càng nhiều giải pháp càng tốt để đảm bảo có vaccine cho người Canada, bao gồm cả việc tài trợ cho nghiên cứu của các công ty Canada như Providence Therapeutics” - ông Black nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn