MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phi hành gia Deng Qingming vẫy tay chào khi rời tàu vũ trụ Thần Châu-15 sau khi hạ cánh. Ảnh: AFP

Trung Quốc chào đón 3 phi hành gia trở về từ trạm vũ trụ Thiên Cung

Anh Vũ LDO | 05/06/2023 13:17

Nhiệm vụ đánh dấu sứ mệnh thành công đầu tiên của một phi hành gia Trung Quốc sau 25 năm đào tạo.

Các phi hành gia trên tàu Thần Châu 15 của Trung Quốc đã trở về Trái đất an toàn với một cuộc hạ cánh suôn sẻ vào cuối tuần trước, sau khi hoàn thành sứ mệnh kéo dài 6 tháng lên trạm vũ trụ của nước này.

Các phi hành gia Fei Junlong, Deng Qingming và Zhang Lu đã hạ cánh sau hành trình trở về Trái đất trên tàu vũ trụ Thần Châu 15 tại bãi đáp Dongfeng (Trung Quốc) vào ngày 3.6, theo Cơ quan Vũ trụ có Người lái Trung Quốc.

Phi hành đoàn Thần Châu 15 được phóng từ Jiuquan ở tây bắc Trung Quốc vào ngày 29.11.2022 và là một phần của đợt bàn giao phi hành đoàn đầu tiên trên trạm vũ trụ Thiên Cung mới của Trung Quốc.

Fei và các đồng đội của anh đã tiếp quản trạm vũ trụ từ phi hành đoàn Thần Châu 14 vào đầu tháng 12. Họ cũng đã chào đón phi hành đoàn Thần Châu 16 đến vào ngày 29.5 vừa qua, trước khi trở về quê nhà.

“Chúng tôi đang cảm thấy ổn”, chỉ huy sứ mệnh Fei Junlong nói trong một cuộc phỏng vấn ngắn ngay sau khi trở về.

Nhiệm vụ này là chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên của phi hành gia Deng Qingming, người đã được chọn trong đợt huấn luyện phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1997. Ông đã phải trải qua gần 26 năm chờ đợi cho chuyến đi đầu tiên vào vũ trụ.

"Bây giờ, tôi thực sự rất nhớ gia đình và quê hương. Kinh nghiệm làm phi hành gia trong 25 năm qua khiến tôi tin tưởng hơn vào sức mạnh của ước mơ và sự bền bỉ", ông Deng nói.

Phi hành đoàn Thần Châu 15 đã bắt tay vào bốn hoạt động đi bộ ngoài không gian trong thời gian họ ở trên quỹ đạo, thiết lập một kỷ lục quốc gia. Bộ ba cũng thực hiện một loạt các thí nghiệm khoa học và hoạt động tiếp cận cộng đồng từ trạm vũ trụ.

Các thử nghiệm bao gồm sử dụng kính hiển vi hai photon để chụp ảnh da của một phi hành gia, thử nghiệm bộ chuyển đổi nhiệt điện Stirling piston tự do, cũng như các thử nghiệm khác nhau sử dụng buồng đốt của trạm Thiên Cung. Hai trong số ba mô-đun của Thiên Cung là mô-đun khoa học chứa một số giá đỡ thí nghiệm.

Trong khi đó, trên quỹ đạo, các phi hành gia mới của sứ mệnh Thần Châu 16 dự kiến sẽ ở lại trên trạm vũ trụ cho đến tháng 11 năm nay, khi họ sẽ được phi hành đoàn Thần Châu 17 "đổi ca".

Trung Quốc đặt mục tiêu duy trì Thiên Cung hoạt động và sẽ có người điều khiển tại đây lâu dài, ít nhất là trong một thập kỷ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn