MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung Quốc không ghi nhận ca COVID-19 mới nào trong công bố ngày 23.5. Ảnh: AFP.

Trung Quốc có dấu mốc mới quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19

Thanh Hà LDO | 23/05/2020 11:30
Trung Quốc không ghi nhận ca COVID-19 mới nào trong công bố ngày 23.5, lần đầu tiên kể từ khi nước này bắt đầu công bố dữ liệu hồi tháng 1 năm nay. 

Dịch COVID-19 phát hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc hồi cuối năm ngoái và số ca mắc đã giảm đáng kể từ đỉnh dịch vào giữa tháng 2 năm nay. Số người chết do COVID-19 ở đất nước 1,4 tỉ dân này là 4.634 người, thấp hơn nhiều so với số người thiệt mạng ở nhiều nước khác. 

Cột mốc mới - không có ca mắc COVID-19 mới nào trong 24 giờ - được công bố chỉ một ngày sau khi kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khai mạc. Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng, Trung Quốc đã "đạt được những thành tựu chiến lược trong ứng phó với COVID-19". Tuy nhiên, ông cảnh báo nước này vẫn đang tiếp tục đối mặt với những thách thức to lớn. 

Trong diễn biến liên quan tới COVID-19, một thông tin tích cực khác từ Trung Quốc cũng được công bố. Một nghiên cứu mới cho biết, một loại vaccine COVID-19 phát triển ở Trung Quốc dường như an toàn và có thể tạo ra phản ứng miễn dịch trong thử nghiệm trên 100 người. 

Vaccine này có tên là Ad5-nCoV, đang được Công ty CanSino Biologics của Trung Quốc phát triển. Đây là một trong những vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới được đưa vào thử nghiệm sớm ở người hồi tháng 3. Hiện trên phạm vi toàn cầu có hơn 100 loại vaccine COVID-19 khác nhau đang được thử nghiệm trên người. 

Nghiên cứu công bố ngày 22.5 trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet nói rằng, vaccine Ad5-nCoV được thử trên 108 người khỏe mạnh, không mắc COVID-19 ở độ tuổi từ 18 đến 60.

Những người tham gia được tiêm vaccine theo liều thấp, trung bình hoặc cao. 

Hai tuần sau khi tiêm vaccine, cả 3 nhóm đều có các mức độ phản ứng miễn dịch với virus. Sau 28 ngày, gần như tất cả các ứng viên tham gia thử vaccine đều phát triển kháng thể liên kết với virus SARS-CoV-2. Khoảng một nửa số người tham gia trong các nhóm liều thấp và trung bình và 3/4 người trong nhóm được tiêm vaccine liều cao đã phát triển "kháng thể trung hòa" có tác dụng liên kết và vô hiệu hóa virus để ngăn chặn virus lây nhiễm vào các tế bào.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất sau khi tiêm vaccine này là đau nhẹ ở vết tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ, theo các nhà nghiên cứu. Đáng lưu ý, có 9 người tham gia (2 ở nhóm liều thấp, 2 ở nhóm liều trung bình và 5 ở nhóm liều cao) bị sốt hơn 38,5 độ C và 1 người trong nhóm liều cao vừa sốt cao, mệt mỏi kèm khó thở và đau cơ. Tuy nhiên, các tác dụng phụ này không kéo dài quá 48 giờ. 

"Những kết quả này đại diện cho một cột mốc quan trọng. Tuy nhiên, những kết quả này nên được giải thích cẩn trọng. Những thách thức trong phát triển vaccine COVID-19 là chưa từng có và khả năng kích hoạt các phản ứng miễn dịch này không nhất thiết đảm bảo rằng vaccine sẽ bảo vệ con người khỏi COVID-19" - tác giả nghiên cứu cao cấp Wei Chen từ Viện Công nghệ sinh học Bắc Kinh tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cho hay. 

Các nhà nghiên cứu hiện đang bắt tay vào giai đoạn nghiên cứu 2 về vaccine trên với 500 người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm vaccine liều thấp hoặc trung bình hoặc giả dược. 

Một số vaccine COVID-19 khác cũng đã có những diễn tiến đầy triển vọng trong tuần qua. Hôm 18.5, Công ty công nghệ sinh học Moderna, Mỹ, thông báo, 45 tình nguyện viên tiêm vaccine COVID-19 do hãng sản xuất mang tên mRNA-1273, đã phát triển các kháng thể trong vòng 15 ngày và mức độ kháng thể của những người này tương đương với các bệnh nhân đã hồi phục sau khi mắc COVID-19, Live Science cho hay. 

Các nhà nghiên cứu Đại học Oxford, Anh cũng tuyên bố rằng vaccine COVID-19 mang tên ChAdOx1-nCov19 của họ sẽ được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng tiên tiến với hơn 10.000 người và có thể có liều sớm nhất vào tháng 9, theo NBC News.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn