MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung Quốc có thể tham gia GAVI tăng cường phân phối vaccine

Giản Minh LDO | 11/05/2021 18:51

Sinopharm của Trung Quốc có thể tham gia Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) trong cơ chế Tiếp cận toàn cầu COVID-19 (COVAX).

Theo Deutsche Welle (Đức), ngày 10.5, người phát ngôn của GAVI cho biết liên minh đang đàm phán với các nhà sản xuất vaccine COVID-19, bao gồm Sinopharm của Trung Quốc, để mở rộng cơ chế COVAX đảm bảo cho hoạt động phân phối vaccine.

Vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp chứng nhận sử dụng khẩn cấp vào ngày 7.5 vừa qua.

Kế hoạch COVAX do GAVI cùng WHO thực hiện nhằm cung cấp loại vaccine mới nhất đến những người nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp vấn đề lớn về nguồn cung. Phần lớn lượng vaccine của kế hoạch là thuốc tiêm AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, hiện do dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở Ấn Độ nên giới chức Ấn Độ đã phải hạn chế cung cấp.

Người phát ngôn nói với Reuters rằng, GAVI đang mở rộng danh mục sản phẩm thông qua đối thoại với một số nhà sản xuất, bao gồm Tập đoàn Sinopharm.

Khi đề cập đến các nhà sản xuất vaccine của Mỹ, bà nói thêm: “Sau những thông báo mới liên quan đến Moderna và Novavax, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cập nhật về bất kỳ giao dịch mới nào vào thời điểm phù hợp”.

Ngày 6.5, Novavax cho biết đạt được thỏa thuận với GAVI để sản xuất và phân phối 350 triệu liều vaccine COVID-19 cho các nước tham gia dự án COVAX. Tuần trước, GAVI thông báo, trong năm nay công ty Moderna sẽ cung cấp 34 triệu liều vaccine COVID-19 cho chương trình COVAX, còn đến năm tới là 466 triệu liều. Vào ngày 9.5, GAVI tiếp tục kêu gọi gây quỹ cho COVAX và cho biết cần thêm ít nhất 1,7 tỉ USD vào trước tháng 6 để ổn định nguồn cung năm 2021 và đầu năm 2022.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày 10.5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã lên án hành động “ngoại giao vaccine”, cho biết có quốc gia lợi dụng vaccine COVID-19 tìm kiếm lợi thế cạnh tranh. Ông nói: “Ngoại giao vaccine không phải là hợp tác… Chúng ta không thể chiến thắng được dịch bệnh toàn cầu này bằng cách cạnh tranh”.

Mặc dù ở một số nước phát triển, nhờ việc thực hiện kế hoạch tiêm chủng nhanh chóng đã tạo điều kiện tiến tới trạng thái bình thường, nhưng virus vẫn đang lây lan ở nhiều nước khác, và lo ngại của nhiều người về bất bình đẳng vaccine toàn cầu cũng đang gia tăng.

Ông Tedros nói: “Các nước thu nhập thấp và trung bình thấp chiếm 47% dân số thế giới, nhưng chỉ nhận được 17% vaccine của thế giới... Điều chỉnh thực trạng mất cân bằng toàn cầu này là một phần quan trọng của giải pháp”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn