MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vật chất tối được cho là chiếm khoảng 80% khối lượng của vũ trụ. Ảnh: NASA

Trung Quốc công bố dữ liệu giúp tìm kiếm vật chất tối bí ẩn

Nguyễn Hạnh LDO | 10/09/2021 18:51
Trung Quốc hôm 7.9 đã công bố tập dữ liệu photon gamma đầu tiên mà kính viễn vọng của vệ tinh Dark Matter Particle Explorer thu được. Dữ liệu cho phép các nhà khoa học cải thiện khả năng săn tìm vật chất tối bí ẩn.

Theo China Daily, vật chất tối là một loại vật chất không thể quan sát trực tiếp, nhưng được cho là chiếm khoảng 80% khối lượng của vũ trụ. Các photon gamma là những hạt ánh sáng có năng lượng cao nhất trong phổ điện từ.

Kính viễn vọng, còn được gọi là Wukong hoặc Monkey King, đã thu thập dữ liệu về khoảng 10,7 tỉ tia vũ trụ năng lượng cao kể từ khi được phóng vào năm 2015, theo Trung tâm Dữ liệu Khoa học Không gian Quốc gia và Đài quan sát Núi Tím thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.

Dữ liệu đã công bố được ghi lại từ ngày 1.1.2016 đến ngày 31.12.2018 và bao gồm 99.864 gamma photon. Hai tổ chức cho biết sẽ có nhiều bộ dữ liệu được phát hành trong tương lai.

Kính viễn vọng có nhiệm vụ nghiên cứu các đặc tính của vật chất tối bằng cách xem xét kỹ hơn các tia gamma và electron năng lượng cao, cũng như kiểm tra nguồn gốc và cơ chế gia tốc có thể có của các tia vũ trụ, các proton năng lượng cao và hạt nhân nguyên tử di chuyển trong không gian với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng.

Chang Jin, nhà khoa học chính của kính viễn vọng Wukong, nói rằng các tia vũ trụ năng lượng cao có thể được tạo ra trong quá trình hủy diệt hoặc phân rã vật chất tối. Các photon gamma không mang điện tích như proton và electron nên chúng ít có khả năng bị từ trường của các thiên thể và sự kiện khác gây ảnh hưởng, do đó chúng có thể chứa đựng thông tin chính xác hơn về vật chất tối và nguồn gốc của tia vũ trụ.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, năm 2019, một nhóm khoa học quốc tế nghiên cứu dữ liệu do kính viễn vọng Wukong thu thập, đã đo được các tia vũ trụ có năng lượng lên đến 100 nghìn tỉ volt với độ chính xác cao. 

Trước khi Wukong ra mắt, các thí nghiệm khinh khí cầu chỉ có thể đo trực tiếp các tia vũ trụ có năng lượng 2 nghìn tỉ volt, trong khi các kính thiên văn trên mặt đất có thể đo gián tiếp các tia có năng lượng khoảng 5 nghìn tỉ volt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn