MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tên lửa Thiên Long 2 được phóng đi từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, Trung Quốc, ngày 2.4.2023. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc đạt cột mốc chưa từng thấy về vũ trụ

Khánh Minh LDO | 03/04/2023 15:30
Trung Quốc đạt cột mốc mới về vũ trụ khi một công ty tư nhân đầu tiên của nước này phóng thành công tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.

SCMP đưa tin, ngày 2.4, Công ty Công nghệ Tianbing Bắc Kinh (còn gọi là Space Pioneer) đã phóng thành công một tên lửa sử dụng ôxy lỏng và dầu kerosene, trở thành công ty tư nhân đầu tiên của Trung Quốc phóng tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng vào không gian và tiến thêm một bước tới việc phát triển tên lửa tái sử dụng.

Các công ty vũ trụ thương mại của Trung Quốc đã đổ xô vào lĩnh vực này kể từ năm 2014, khi nhà nước cho phép đầu tư tư nhân vào ngành vũ trụ. Nhiều công ty bắt đầu chế tạo vệ tinh trong khi những công ty khác bao gồm Space Pioneer tập trung vào phát triển tên lửa tái sử dụng nhằm cắt giảm đáng kể chi phí phóng tên lửa.

Tên lửa không tái sử dụng Thiên Long 2 do Space Pioneer phát triển đã được phóng thành công vào quỹ đạo từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc hôm 2.4, đưa một vệ tinh viễn thám vào quỹ đạo cách Trái đất khoảng 500 km.

Không giống như tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn vốn không thể điều chỉnh dòng nhiên liệu, tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng có khả năng kiểm soát chuyến bay tốt hơn đáng kể. Một số tên lửa như Falcon 9 của SpaceX có khả năng quay trở lại Trái đất trong điều kiện hạ cánh có kiểm soát và hạ cánh thẳng đứng.

Công ty Space Pioneer dự kiến phóng tên lửa Thiên Long 3 lớn hơn, trong đó giai đoạn đầu của tên lửa có thể tái sử dụng. Công ty cũng có kế hoạch tung ra một biến thể thậm chí còn lớn hơn của Thiên Long 3, giống như Falcon Heavy của SpaceX.

Các tên lửa tái sử dụng sẽ giúp đẩy nhanh việc xây dựng các chòm sao vệ tinh thương mại của Trung Quốc, từ đó có thể cung cấp các dịch vụ từ Internet tốc độ cao cho máy bay đến theo dõi các tàu chở than.

Trong kế hoạch 5 năm mới nhất giai đoạn 2021-2025, chính phủ Trung Quốc kêu gọi xây dựng một mạng lưới vệ tinh tích hợp phục vụ các mục đích liên lạc, viễn thám và điều hướng. Trung Quốc hiện có hơn 400 vệ tinh trong không gian, bao gồm cả các vệ tinh dùng cho mục đích thương mại. 

Với vụ phóng hôm 2.4, Space Pioneer đã trở thành công ty tư nhân thứ ba ở Trung Quốc thực hiện sứ mệnh quỹ đạo, sau i-Space và Galactic Energy. Tuy nhiên, Space Pioneer là công ty đầu tiên phóng tên lửa nhiên liệu lỏng lên quỹ đạo - nhiệm vụ khó khăn hơn so với việc phóng tên lửa nhiên liệu rắn.

Khi ngành thám hiểm vũ trụ tư nhân của Trung Quốc mở rộng, Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) hồi tháng 1 cho biết sẽ thực hiện 60 sứ mệnh phóng trong năm 2023 và đưa hơn 200 tàu vũ trụ vào quỹ đạo. Những lần phóng này sẽ bao gồm hai sứ mệnh có người lái tới trạm vũ trụ Thiên Cung và chuyến bay đầu tiên của tên lửa đẩy Trường Chinh 6C.

Tên lửa lớn nhất của Trung Quốc - Trường Chinh 5 - cũng sẽ hoạt động trở lại lần đầu tiên kể từ khi thực hiện sứ mệnh sao Hoả Thiên Vấn 1 Mars vào năm 2020.

Trung Quốc đã thực hiện 64 vụ phóng vào năm ngoái, đứng thứ hai sau Mỹ với 87 vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn