MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên dây chuyền lắp ráp xe tải tại một nhà máy sản xuất xe ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Trung Quốc đặt mục tiêu thành 'siêu cường sản xuất' vào năm 2025

Thanh Hà LDO | 06/03/2021 16:47
Trong kỳ họp lưỡng hội Trung Quốc năm 2021, Bắc Kinh công bố kế hoạch tham gia vào 8 lĩnh vực cốt lõi để đưa nước này trở thành siêu cường sản xuất vào 2025.

Trung Quốc công bố kế hoạch toàn diện để nâng cao năng lực sản xuất của nước này vào 2025 thông qua 8 lĩnh vực ưu tiên, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh tranh chấp thương mại và công nghệ rộng rãi với Mỹ, SCMP ngày 6.3 đưa tin.

Kế hoạch được công bố ngày 5.3 tại cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp hàng đầu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) Trung Quốc.

Kế hoạch đưa Trung Quốc thành siêu cường sản xuất vào năm 2025 tập trung vào đất hiếm và các vật liệu đặc biệt, robot, động cơ máy bay, phương tiện năng lượng mới và ô tô thông minh, thiết bị y tế cao cấp và sáng tạo y học như vaccine, máy móc nông nghiệp, thiết bị chính sử dụng trong đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc, cùng các ứng dụng công nghiệp của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Beidou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc.

“Chúng ta phải giữ tỉ trọng sản xuất ổn định trong nền kinh tế nói chung và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực này” - chính phủ Trung Quốc nêu trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 dài 142.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội Trung Quốc khóa 13 khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 5.3. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Kỳ họp lưỡng hội, tức cuộc họp hàng năm của NPC và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đều có hoạch định về các ưu tiên và chương trình mới của chính phủ Trung Quốc. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 nêu ra các mục tiêu phát triển và kinh tế của Trung Quốc từ năm 2021 đến năm 2025.

Chiến lược sản xuất mới nhất của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh có báo cáo rằng Thượng viện Mỹ đang xem xét đưa khoản tài trợ 30 tỉ USD vào một dự luật mới nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh chống lại Trung Quốc. Các nhà lập pháp Mỹ đặt mục tiêu đưa gói tài trợ này, bao gồm các yếu tố khác để thúc đẩy lĩnh vực công nghệ của Mỹ, ra bỏ phiếu vào tháng 4, theo nguồn tin của Reuters.

Trong kế hoạch 5 năm mới, Trung Quốc sẽ khắc phục các liên kết yếu kém trong các thành phần chủ đạo, phần mềm, vật liệu và hệ thống cơ bản trong vòng 5 năm tới. Kế hoạch này kỳ vọng Trung Quốc sẽ phát triển một chuỗi giá trị công nghiệp “sáng tạo hơn, an toàn hơn và có giá trị gia tăng cao hơn”, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong “đường sắt cao tốc, thiết bị điện, năng lượng mới và đóng tàu”. Kế hoạch mới cũng nhấn mạnh, “các thành tố quan trọng của chuỗi giá trị” phải nằm trong phạm vi Trung Quốc.

Sản xuất - chiếm 33% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020, theo dữ liệu chính thức - được coi là xương sống của nền kinh tế công nghiệp của đất nước. Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về sản lượng và đã nổi tiếng là “công xưởng của thế giới” ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.

Kế hoạch được trình bày với NPC cũng kỳ vọng "các ngành công nghiệp non trẻ" sẽ tăng thêm giá trị kinh tế đáng kể và chiếm 17% GDP của cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Trung Quốc cũng thúc đẩy việc triển khai mạng di động 5G nhanh hơn để tăng mức độ thâm nhập của người dùng lên đến 56% trong cùng khoảng thời gian 5 năm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công nghệ mang lại lợi ích cho nhiều ngành công nghiệp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập đến cụm từ “công nghệ” tới 23 lần trong báo cáo công việc của chính phủ trong năm nay, tăng so với 9 lần đề cập trong năm ngoái.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn