MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mặt trời nhân tạo của Trung Quốc. Ảnh: Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc

Trung Quốc đẩy nhanh đưa mặt trời nhân tạo vào hoạt động

Nhật Minh LDO | 04/01/2024 07:41

Trung Quốc đang tập hợp các nguồn lực quốc gia để đưa mặt trời nhân tạo vào hoạt động.

Theo Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), Trung Quốc đang thành lập công ty nhà nước mới - China Fusion Energy Inc - để huy động nguồn lực từ khắp đất nước nhằm đưa lò phản ứng nhiệt hạch, còn gọi mặt trời nhân tạo, vào hoạt động.

SCMP đưa tin, việc thành lập China Fusion Energy Inc đã được công bố vào ngày 29.12.

Chen Rui, người sáng lập Startorus Fusion - một công ty công nghệ cao tập trung vào ứng dụng thương mại năng lượng nhiệt hạch cũng như nghiên cứu và phát triển các công nghệ liên quan - cho biết phản ứng nhiệt hạch đã trở thành ưu tiên quốc gia.

“Hội đồng Nhà nước đã nói rõ trong một cuộc họp gần đây rằng phản ứng nhiệt hạch có kiểm soát là hướng đi duy nhất cho năng lượng trong tương lai và lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh chóng ở châu Âu và Mỹ" - Chen nói.

Cùng với China Fusion Energy Inc, một tập đoàn đổi mới hợp tác bao gồm 25 đơn vị và do CNNC đứng đầu đã được thành lập để cùng nhau vượt qua một số thách thức chính trong lĩnh vực phản ứng nhiệt hạch.

Phó Chủ tịch CNNC Cao Shudong cho biết, phản ứng nhiệt hạch có kiểm soát là một giải pháp lý tưởng cho thách thức năng lượng toàn cầu và đã trở thành vấn đề hàng đầu trong cuộc cạnh tranh khoa học - công nghệ giữa các nước lớn.

Cao lưu ý, Trung Quốc cần phát triển “ngành công nghiệp năng lượng chất lượng cao” bằng cách tận dụng hệ thống quản lý trung ương để tập trung nguồn lực quốc gia vào dự án trọng điểm.

Các thành viên của liên minh đổi mới chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc và Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc. Bốn trường đại học và một công ty tư nhân cũng tham gia.

Theo thông tin được CNNC đăng tải về cuộc họp, 13 thành viên đã được giao nhiệm vụ giải quyết nhóm 10 thử thách đầu tiên nhằm giải quyết các vấn đề như nam châm siêu dẫn nhiệt độ cao, vật liệu lò phản ứng nhiệt hạch và lưu trữ năng lượng hiệu suất cao.

Giống như mặt trời, phản ứng nhiệt hạch - thường được gọi là mặt trời nhân tạo - tạo ra năng lượng bằng cách đốt nóng các nguyên tử hydro đến hơn 100 triệu độ C và giữ chúng đủ lâu để hợp nhất chúng thành các nguyên tử nặng hơn.

Nếu thành hiện thực, phản ứng nhiệt hạch có thể cung cấp năng lượng an toàn, sạch và gần như vô hạn. Phản ứng nhiệt hạch không có chất thải phóng xạ cũng như không góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.

Các quốc gia trên toàn thế giới liên tục đổ tiền vào nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch vì triển vọng năng lượng to lớn của nó. Trung Quốc đã nộp nhiều bằng sáng chế về công nghệ nhiệt hạch hơn bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào khác trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2022, theo nghiên cứu của công ty Astamuse có trụ sở tại Tokyo.

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng một lò phản ứng nhiệt hạch nguyên mẫu công nghiệp vào năm 2035 và có công nghệ này để sử dụng thương mại quy mô lớn vào năm 2050.

Tháng 9 năm ngoái, Lu Tiezhong, Chủ tịch CNNC, cho biết nguồn điện đầu tiên được tạo ra từ phản ứng nhiệt hạch có kiểm soát “phải đến từ Trung Quốc và chúng tôi đang nỗ lực hướng tới mục tiêu này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn