MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc đối mặt hậu quả thảm khốc nếu bỏ chiến lược zero-COVID

Song Minh LDO | 28/11/2021 15:48
Kết quả nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đại học Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc phải đối mặt với sự bùng phát COVID-19 khổng lồ nếu mở cửa và từ bỏ chiến lược zero-COVID.

Theo nghiên cứu của các nhà toán học Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc có thể phải đối mặt với hơn 630.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày nếu nước này từ bỏ chính sách "không COVID" bằng cách dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đi lại.

Trong báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc công bố trên tạp chí China CDC Weekly, các nhà toán học cho hay Trung Quốc không đủ khả năng dỡ bỏ các hạn chế đi lại nếu không có vaccine hoặc phương pháp điều trị cụ thể hiệu quả hơn.

Sử dụng dữ liệu cho tháng 8 từ Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Israel, các nhà toán học đánh giá hậu quả tiềm năng nếu Trung Quốc áp dụng chiến thuật kiểm soát đại dịch tương tự các quốc gia này.

Báo cáo cho biết số ca mắc mới hàng ngày của Trung Quốc sẽ đạt ít nhất 637.155 nếu nước này áp dụng chiến lược chống đại dịch của Mỹ.

Các trường hợp hàng ngày sẽ đạt 275.793 nếu Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận tương tự như Anh và 454.198 nếu nước này bắt chước Pháp.

Báo cáo cho biết: “Các ước tính cho thấy khả năng thực sự của một đợt bùng phát khổng lồ, gần như chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng không thể chi trả cho hệ thống y tế”.

"Phát hiện của chúng tôi đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng rằng, vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa sẵn sàng áp dụng các chiến lược mở cửa chỉ dựa vào giả thuyết về khả năng miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm chủng như một số nước phương Tây ủng hộ".

Các nhà toán học cảnh báo rằng ước tính của họ dựa trên các phép tính số học cơ bản và cần có các mô hình phức tạp hơn để nghiên cứu sự tiến triển của đại dịch nếu các hạn chế đi lại được dỡ bỏ.

Trung Quốc đã duy trì chính sách zero-COVID, nói rằng việc ngăn chặn các ca bệnh tại địa phương khi chúng được phát hiện quan trọng hơn là sự gián đoạn do nỗ lực truy tìm, cách ly và điều trị những người bị nhiễm bệnh.

Trung Quốc báo cáo 23 ca nhiễm mới trong ngày 27.11, giảm so với 25 ca một ngày trước đó, theo báo cáo ngày 28.11 của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.

Ngày 26.11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định biến thể Omicron - một biến thể COVID-19 mới được phát hiện ở Nam Phi với số lượng lớn các đột biến - là "đáng lo ngại", khiến một số quốc gia lập tức áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.

Australia, Brazil, Canada, Iran, Nhật Bản, Thái Lan Mỹ, Anh, Liên minh Châu Âu cùng các quốc gia khác đã áp đặt các hạn chế đối với các quốc gia phía nam Châu Phi để đáp lại cảnh báo về khả năng lây lan của biến thể Omicron.

Israel thực hiện biện pháp nghiêm ngặt nhất thế giới, cho biết sẽ cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào nước này, biến Israel trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới hoàn toàn để đối phó biến thể mới. Chính phủ Israel đồng thời giao nhiệm vụ cho các cơ quan tình báo xác định vị trí và theo dõi tất cả những người đến từ các điểm nóng của biến thể Omicron trong thời gian gần đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn