MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân sơ tán qua nước lũ ở Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 2.8.2023. Ảnh: VCG

Trung Quốc gia cố đập và đê điều giữa bão lũ nguy hiểm

Ngọc Vân LDO | 07/08/2023 17:35

Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh kêu gọi gia cố các con đập và đê điều trong bối cảnh mưa bão nghiêm trọng.

Tờ China Daily đưa tin, ngày 5.8, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh đã đến thăm Thiên Tân và đến tuyến đầu chống lũ lụt để kiểm tra mực nước và công tác gia cố đập.

Ông cho biết, lượng mưa cực lớn đã tấn công Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc trong những ngày gần đây, đặt ra nhiều thách thức đối với việc xả lũ ở hạ lưu lưu vực sông Hải Hà.

Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh nhấn mạnh, do sự không chắc chắn ở thượng nguồn, cần phải gia cố các con đập quan trọng hoặc tương đối yếu, đồng thời cho biết thêm rằng, các doanh nghiệp nhà nước ở trung ương và địa phương nên đóng vai trò chuyên nghiệp vào thời điểm này.

Ông cũng kêu gọi chuẩn bị đầy đủ các thiết bị chống lũ, tuần tra 24/24 giờ trên các tuyến đê và di dời cư dân hợp lý.

Ngày 6.8, chính quyền thành phố Thiên Tân đã đưa ra báo động đỏ - mức cảnh báo cao nhất - về lũ lụt có thể xảy ra ở sông Đại Thanh Hà, một nhánh chính của sông Hải Hà, con sông đang trải qua trận lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1963.

Giới chức Thiên Tân kiểm tra dòng chảy, ngày 1.8.2023. Ảnh: China Daily

Trung Quốc cũng đã nâng mức ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ lụt ở các khu vực đông bắc của đất nước lên cấp độ 3 vào sáng 6.8, sau những trận mưa bão nghiêm trọng ở khu tự trị Nội Mông, các tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm.

Trong khi đó, Hoàn cầu Thời báo đưa tin, cuộc sống của người dân ở một số khu vực của Bắc Kinh và Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, nơi bị mưa lớn và lũ lụt tàn phá vào tuần trước, đang bắt đầu trở lại bình thường. Trác Châu cách trung tâm thành phố Bắc Kinh khoảng 60 km về phía nam.

Sự phối hợp từ trên xuống và sự thống nhất toàn quốc đã được hình thành kể từ khi miền bắc và đông bắc Trung Quốc hứng chịu trận lũ lụt hiếm gặp do ảnh hưởng của bão Doksuri, bao gồm sự chỉ đạo và phân bổ kịp thời của chính quyền trung ương để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng; quân đội chạy đua với thời gian để sơ tán, di dời người dân và vận chuyển khẩn cấp vật tư; các đội cứu hộ dân sự đổ vào vùng lũ để cứu người và tài sản.

Trong nhiều ngày, mưa lớn đã trút xuống Hắc Long Giang, Cát Lâm và Nội Mông, dẫn đến lũ lụt ở một số con sông ở những khu vực này.

Tính đến 8h ngày 5.8, 25 con sông, bao gồm sông Lalin và sông Mudan - cả hai đều ở Cát Lâm và Hắc Long Giang - đã vượt quá mức cảnh báo nước từ 0,06-3,4 mét; 5 con sông vượt quá mực nước đảm bảo - Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết hôm 6.8.

Các tình nguyện viên kiểm tra bờ kè dọc theo một con sông ở Thiên Tân, ngày 1.8.2023. Ảnh: Xinhua

Lũ lụt đã khiến 6 người thiệt mạng và 4 người mất tích ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm. Tất cả những người mất tích đều là quan chức nhà nước đang tham gia các hoạt động cứu hộ khẩn cấp và cứu trợ thiên tai.

Thành phố Thượng Chí ở Hắc Long Giang đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất kể từ năm 1957 và thành phố đã đình chỉ các lớp học, hoạt động sản xuất và giao thông kể từ ngày 2.8.

Tại huyện Ngũ Thường ở Hắc Long Giang nổi tiếng với gạo chất lượng cao, những cánh đồng lúa lớn đã bị ngập úng. Hơn 40.000 người ở Ngũ Thường đã được di dời vào chiều 6.8.

Theo các chuyên gia dự báo thời tiết, đợt mưa như trút nước ở đông bắc Trung Quốc là do hoàn lưu bão Doksuri, cơn bão cũng đã tàn phá miền bắc Trung Quốc vào tuần trước.

Đợt mưa lớn vừa qua ở đông bắc Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi không khí lạnh nên so với đợt mưa lớn ở miền bắc Trung Quốc vài ngày trước, hiện tượng đối lưu đáng kể hơn, Ma Xunkuan - chuyên gia Trung tâm Khí hậu Quốc gia - nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn