MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung Quốc hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng

Thanh Hà LDO | 17/08/2022 07:12

Ngân hàng trung ương Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm và rút một số tiền mặt khỏi hệ thống ngân hàng trong nỗ lực phục hồi nhu cầu tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang chịu tác động của COVID-19.

Động thái bất ngờ

Ngày 15.8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản từ 2,85% xuống 2,75% với các khoản vay trung hạn, 1 năm, trị giá 400 tỉ nhân dân tệ (59 tỉ USD) với một số ngân hàng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng hạ lãi suất theo các thỏa thuận mua lại đảo ngược trong 7 ngày từ 2,10% xuống 2,00%. 

Theo Nikkei, Trung Quốc công bố cắt giảm lãi suất trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn khi sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ suy yếu, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức cao kỷ lục. Hãng tin này lưu ý, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn chưa phục hồi vững chắc và chỉ vừa đủ tránh được suy giảm trong quý thứ 2 của năm 2022 khi liên tục triển khai các đợt phong tỏa ngừa COVID-19 nghiêm ngặt, tác động tới sản lượng của các nhà máy và chi tiêu của người tiêu dùng.

Sau 2 tháng phong tỏa trung tâm tài chính Thượng Hải vào đầu năm nay, giới chức y tế Trung Quốc gần đây đã lệnh triển khai thêm các đợt phong tỏa khác, từ Tây Tạng cho tới đảo Hải Nam, nhằm ngăn chặn bùng phát virus do biến thể Omicron. 

“Đợt giảm lãi suất này khiến chúng tôi ngạc nhiên. Đây chắc là phản ứng với dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng yếu công bố vào ngày 12.8. Chính phủ Trung Quốc vẫn đang thận trọng và sẽ không sớm từ bỏ những nỗ lực bảo vệ tăng trưởng” - Reuters dẫn lời chiến lược gia Zing Zhaopeng của ANZ.

"Zero-COVID" và thị trường bất động sản

“Lần gần đây nhất PBOC cắt giảm những lãi suất này là vào tháng Giêng và dường như trì hoãn hạ lãi suất chính sách thêm nữa bất chấp tác động từ làn sóng Omicron" - Julian Evans-Pritchard, chuyên gia của đơn vị nghiên cứu Capital Economics, chỉ ra.

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Trung Quốc có động thái mới nhất bởi "hiện có một vấn đề cấp bách hơn: Dữ liệu mới nhất cho thấy động lực kinh tế mờ nhạt trong tháng 7 và tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại" cho thấy việc nới lỏng chính sách ít mang lại tác động so với thời kỳ suy thoái kinh tế trước đó. 

Động thái về lãi suất của Trung Quốc được công bố vào thời điểm dữ liệu mới chỉ ra, trong tháng 7, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,8% so với một năm trước, thấp hơn mức tăng 3,9% ghi nhận hồi tháng 6. Trong khi đó, doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng 2,7% so với một năm trước đó trong khi con số này của tháng 6 là 3,1%. 

"Động lực phục hồi kinh tế đã chậm lại một chút cho nhiều yếu tố" - Người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Fu Linghui cho hay. 

So với cùng kỳ năm trước, đầu tư tài sản cố định tăng 5,7% trong 7 tháng đầu năm, tăng nhẹ hơn so với dự báo và thấp hơn mức tăng 6,1% từ tháng 1 đến tháng 6. Tăng trưởng này được thúc đẩy cơ bản bởi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và sản xuất. 

Phát triển bất động sản giảm còn 6,4% trong khi doanh số bất động sản trong 7 tháng đầu năm đạt 28,8% so với mức 30,7% của cùng kỳ năm 2021. 

Chuyên gia Rosealea Yao của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định: “Khởi công các công trình xây dựng mới có thể sẽ giảm khoảng 30% trong nửa cuối năm sau khi giảm 34% trong nửa đầu năm, dẫn đến mức giảm cả năm là gần 1/3". Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc - vốn chiếm 1/4 GDP - đang chịu sức ép khi hàng nghìn người mua nhà dọa không trả các khoản thế chấp cho tới khi các chủ đầu tư hoàn thiện công trình đang xây dở. Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp chủ chốt, trong đó đáng chú ý nhất là China Evergrande - đơn vị từng là nhà xây dựng bất động sản hàng đầu của đất nước.

Việc làm cũng là một điểm yếu khác trong nền kinh tế Trung Quốc hiện tại, với tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên từ 16-24 tuổi ở mức kỷ lục 19,9% trong tháng 7, theo cơ quan thống kê Trung Quốc. Thiếu việc làm cho lao động trẻ đặt ra mối trăn trở cho giới chức khi gần 11 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường việc làm Trung Quốc trong năm nay. 

Tháng trước, Trung Quốc công bố mức tăng trưởng hằng quý yếu nhất trong 2 năm, nền kinh tế chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ 3 tháng của năm 2021 bởi các đợt phong tỏa ngừa COVID-19 ở những đô thị lớn.  

“Tăng trưởng của Trung Quốc trong nửa cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ chiến lược "zero-COVID", vòng xoáy đi xuống của thị trường bất động sản và có khả năng tăng trưởng xuất khẩu chậm lại" - Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về khu vực Trung Quốc của Nomura, chỉ ra. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn