MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giàn khoan ở hồ Nam Co, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc khoan sâu kỷ lục ở hồ nước mặn cao nhất thế giới

Thanh Hà LDO | 14/07/2024 07:07

Dự án khoan lõi ở Nam Co - hồ nước mặn cao nhất thế giới ở Khu tự trị Tây Tạng, tây nam Trung Quốc - đạt độ sâu khoan hơn 400 m.

Tân Hoa Xã đưa tin, lúc 18h35 ngày 12.7, nhóm thám hiểm khoa học đa quốc gia đã trích xuất lõi trầm tích hồ từ độ sâu 402,2 m dưới lòng hồ Nam Co.

Độ sâu 402,2 m vừa được khoan ở hồ Nam Co đã vượt qua độ sâu tối đa 153,44 m được ghi nhận khi khoan hồ trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng.

Theo các nhà khoa học, việc khoan tới độ sâu kỷ lục có ý nghĩa to lớn trong hoạt động khoan hồ và nghiên cứu cổ khí hậu của Trung Quốc.

Nam Co là một hồ khép kín, việc khoan sâu sẽ giúp các nhà khoa học thu thập thông tin về đá, đất, thảm thực vật, sông ngòi và hoạt động của con người trong lưu vực.

"Thông qua nghiên cứu lõi trầm tích hồ, chúng ta có thể hiểu sâu hơn về sự thay đổi khí hậu và môi trường trên cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng trong một triệu năm qua và cung cấp cơ sở khoa học cho dự báo khí hậu trong tương lai” - Wang Junbo, một trong những người đứng đầu nhóm nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu Cao nguyên Tây Tạng (ITP), Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chia sẻ.

Hồ Nam Co có độ cao mặt hồ hơn 4.700 m, là hồ lớn thứ hai trong khu vực cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng.

Cuộc thám hiểm khoa học tại hồ được triển khai vào đầu tháng 6, nhằm xem xét những thay đổi của hồ và môi trường. Hoạt động này có sự tham gia của các nhà khoa học và kỹ thuật viên khoan từ Đức, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ.

Theo Zhu Liping - một lãnh đạo khác trong nhóm thám hiểm khoa học và là nhà nghiên cứu tại ITP - việc khoan lõi trầm tích hồ ở Nam Co là dự án khoan ở độ cao cao nhất thuộc Chương trình khoan khoa học lục địa quốc tế. Các lõi trầm tích hồ thu thập được sẽ được chuyển đến, giữ lại vĩnh viễn tại ITP để phân tích thêm.

“Bước đột phá trong lĩnh vực khoan sẽ thúc đẩy nghiên cứu cấp cao về khoan hồ ở Trung Quốc và có thể thể hiện tác động quốc tế với hợp tác nghiên cứu khoa học có liên quan” - ông chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn