MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung Quốc làm nên kỳ tích với sứ mệnh Hằng Nga 6

Ngọc Vân LDO | 25/06/2024 17:09

Sứ mệnh Hằng Nga 6 của Trung Quốc đã mang về Trái đất những mẫu đầu tiên từ vùng tối của Mặt trăng - điều chưa từng quốc gia nào làm được.

Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 25.6, tàu thăm dò Hằng Nga 6 đã quay trở lại Trái đất cùng những mẫu vật đầu tiên trên thế giới thu thập từ vùng tối của Mặt trăng, đánh dấu một thành tựu đáng chú ý khác trong nỗ lực thám hiểm không gian của Trung Quốc.

Chuyến bay trở về đã hạ cánh chính xác tại khu vực được chỉ định ở Siziwang Banner, Khu tự trị Nội Mông phía bắc Trung Quốc lúc 2h07 chiều giờ Bắc Kinh. Sứ mệnh thành công hoàn toàn, theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA).

Dưới sự điều khiển của các chuyên gia dưới mặt đất, tàu tách khỏi quỹ đạo ở độ cao khoảng 5.000 km trên Nam Đại Tây Dương.

Tàu tách khỏi quỹ đạo. Ảnh: Xinhua

Con tàu đi vào bầu khí quyển Trái đất vào khoảng 1h41 chiều ở độ cao khoảng 120 km và tốc độ khoảng 403 km/h.

Ở độ cao khoảng 10 km so với mặt đất, một chiếc dù mở ra để tàu hạ cánh chính xác và thuận lợi tại khu vực đã xác định trước.

Quá trình hạ cánh của tàu. Ảnh: Xinhua

CNSA cho biết tàu sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không đến Bắc Kinh và các mẫu Mặt trăng sẽ được chuyển cho một nhóm các nhà khoa học để lưu trữ, phân tích và nghiên cứu tiếp theo.

Hằng Nga 6 là một trong những sứ mệnh phức tạp và thách thức nhất trong nỗ lực thám hiểm không gian của Trung Quốc cho đến nay. Tổ hợp Hằng Nga 6 bao gồm một tàu quỹ đạo, một tàu quay trở lại, một tàu đổ bộ và một tàu bay lên.

Hằng Nga 6 được phóng vào ngày 3.5 năm nay và đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau như chuyển động Trái đất - Mặt trăng, phanh gần Mặt trăng, quay quanh Mặt trăng và hạ cánh.

Yang Wei, nhà nghiên cứu tại Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết: “Sứ mệnh Hằng Nga 6 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử khám phá Mặt trăng của con người và sẽ góp phần mang lại sự hiểu biết toàn diện hơn về quá trình tiến hóa của Mặt trăng”.

"Các mẫu mới chắc chắn sẽ dẫn đến những khám phá mới. Niềm đam mê với Mặt trăng đã bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc qua nhiều thời đại, bằng chứng là câu chuyện thần thoại về chị Hằng trên cung trăng. Giờ đây, các nhà khoa học Trung Quốc đang háo hức chờ đợi cơ hội đóng góp cho khoa học Mặt trăng" - Yang Wei nói thêm.

Tàu Hằng Nga 6 mang mẫu vật ở vùng tối Mặt trăng về Trái đất ngày 25.6.2024. Ảnh: Xinhua

Các mẫu Mặt trăng do sứ mệnh Hằng Nga 5 trước đó mang về đã thu hút nhiều học giả quốc tế.

Sứ mệnh Hằng Nga 6 cũng có sự tham gia của các nhà khoa học Trung Quốc và các nhà khoa học nước ngoài.

Sứ mệnh Hằng Nga 6 được giao nhiệm vụ thu thập mẫu vật ở vùng tối của Mặt trăng và đưa về Trái đất. Đây là nỗ lực đầu tiên của nhân loại trong trong lịch sử thám hiểm Mặt trăng.

Vùng tối của Mặt trăng là nửa không nhìn thấy được của Mặt trăng, còn gọi là mặt khuất, mặt xa hay mặt sau của Mặt trăng. Thực ra đây là một thuật ngữ không hoàn toàn chính xác bởi vùng này vẫn nhận được ánh sáng Mặt trời, nhưng con người ở Trái đất không bao giờ nhìn thấy nên nó luôn là vùng tối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn