MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lũ chồng lũ kéo dài trong vài tháng qua tác động tới hồi phục hậu COVID-19 của Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Trung Quốc: Lũ chồng lũ thách thức hồi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19

Thanh Hà LDO | 22/08/2020 19:12
Trung Quốc đang đối mặt với thách thức mới từ đợt lũ lụt nghiêm trọng ở miền trung và tây nam nước này ngay sau khi đại dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát trong nước. 

Lũ lụt trên sông Dương Tử đạt đỉnh thứ 5 trong tuần này, với tỉnh Tứ Xuyên và đô thị Trùng Khánh bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, đập Tam Hiệp, đạt đỉnh lũ cao nhất kể từ khi đập bắt đầu trữ nước năm 2003. 

Lũ lụt Trung Quốc năm nay không phải là thảm họa thiên nhiên đơn lẻ mà nghiêm trọng hơn, là chuỗi các đợt lũ liên tục gây thiệt hại to lớn về người và tài sản, theo New York Times. 

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lũ lụt tác động tới nền kinh tế Trung Quốc đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch COVID-19. 

Tại Trùng Khánh, lũ lụt sông Dương Tử đạt đỉnh thứ 5 trong năm nay và chiều 20.8 đã ghi nhận mức kỷ lục mới về mực nước, phá kỷ lục năm 1981. 

Một người dân ở Trùng Khánh, trong một đoạn video về lũ lụt được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, cho biết: “Nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề khi phải chống chọi với đại dịch trong nửa đầu năm và lũ lụt trong nửa cuối năm". 

Lũ lụt ở Trung Quốc gây thiệt hại ít nhất 26 tỉ USD tính tới trước tuần này. Trong cuộc họp ở Bắc Kinh hồi tuần trước, lãnh đạo cơ quan kiểm soát lũ lụt Trung Quốc Zhou Xuewen cho hay, ít nhất 63 triệu người đã bị ảnh hưởng và 54.000 ngôi nhà bị phá hủy. Ít nhất 219 người đã chết hoặc mất tích.

Tại Tứ Xuyên hôm 21.8, một vụ sạt lở đất sau mưa lớn khiến ít nhất 6 người khác thiệt mạng tại một làng gần Nhã An.  Một vụ sạt lở khác xảy ra trong khu vực này khiến 5 người mất tích. 

Mưa lớn thường xảy ra ở miền nam Trung Quốc trong mùa hè nhưng năm nay nghiêm trọng và kéo dài hơn bình thường, gây ngập lụt với hoa màu và các cộng đồng dân cư trong hơn 2 tháng qua. 

Mưa lớn trong năm nay cũng đặt ra câu hỏi về tình hình đập Tam Hiệp, dự án khổng lồ trên sông Dương Tử. Lưu lượng vào hồ chứa đập Tam Hiệp đã lên tới 75 triệu lít trên giây, phá vỡ kỷ lục 61 triệu lít mỗi giây lập hồi tháng trước, theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc. Mặc dù giới chức Trung Quốc khẳng định, đập Tam Hiệp không bị đe dọa nhưng trên thực tế mực nước hồ chứa đã gần tới mức tối đa. 

Hôm 21.8, giới chức cho biết, lưu lượng nước vào hồ chứa đập Tam Hiệp đã phần nào giảm bớt dù vẫn trong tình trạng báo động. "Sức ép kiểm soát lũ lụt ở trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử đã được giảm bớt" - Tân Hoa Xã cho hay. 

Ngoài sông lớn nhất của Trung Quốc, một tuyến đường thủy quan trọng khác của nước này, sông Hoàng Hà, cũng chịu nhiều lũ lụt hơn. Bộ Thủy lợi Trung Quốc nêu trong thông cáo rằng, đoạn sông Hoàng Hà qua tỉnh Thiểm Tây hôm 21.8 đã đạt mức kỷ lục kể từ 1997. Gần 700 con sông nhỏ hơn và các phụ lưu cũng bị ngập lụt, gây sức ép lớn cho các con đập và đê kè cũ. 

Lũ lụt cũng đe dọa nhiều di tích nổi tiếng của Trung Quốc. Tại Tứ Xuyên, nước lũ dâng tới Lạc Sơn Đại Phật  - tượng Phật khổng lồ 1.200 năm tuổi được UNESCO công nhận là di sản thế giới. 

Ở Trùng Khánh, lũ lụt đã "nuốt chửng" Từ Khí Khẩu, một thương cảng cổ ven sông gần nơi sông Gia Lăng hợp với sông Dương Tử. Tân Hoa Xã cho biết, nước lũ đã dâng tới tầng thứ 3 của một số toà nhà ở bờ sông.

Những bức ảnh chụp thành phố Trùng Khánh cho thấy nước lũ đục ngầu nhấn chìm một dải lớn của thành phố, trong đó có cả Hồng Nhai Động - một cấu trúc 11 tầng là điểm du lịch nổi tiếng. Hồng Nhai Động đã bị đóng cửa từ 18.8 và nhân viên khu du lịch đang dọn bùn đất ở đây. "Thật quá đáng sợ khi nước dâng lên"  - cô Zhang, một quản lý nhà hàng ở khu vực này chia sẻ hôm 21.8. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn