MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kính thiên văn viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500m (FAST) tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Trung Quốc mở cửa kính thiên văn khổng lồ cho các nhà khoa học quốc tế

Phương Linh LDO | 15/12/2020 17:05
Trung Quốc sắp mở cửa kính thiên văn lớn nhất thế giới cho các nhà khoa học nước ngoài nhằm thu hút nhân tài.

AFP đưa tin, kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500 mét (FAST) tại Trung Quốc - kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ duy nhất trên thế giới sau sự cố sập kính thiên văn Arecibo ở Puerto Rico hôm 2.12 - sắp mở cửa cho các nhà thiên văn nước ngoài sử dụng, với hy vọng thu hút tài năng khoa học hàng đầu thế giới.

Kính viễn vọng của Trung Quốc được lắp đặt ở huyện Bình Dương, tỉnh Quý Châu, nhạy hơn gấp ba lần so với kính viễn vọng của Mỹ, và được bao quanh bởi ''vùng im lặng vô tuyến'' dài 5 km - điện thoại di động và máy tính không thể sử dụng được tại khu vực này.

Đĩa vệ tinh khổng lồ kích thước 500 mét có diện tích bằng 30 sân bóng đá và tiêu tốn chi phí xây dựng lên tới 1,1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 175 triệu USD), cũng như khiến hàng nghìn dân làng phải di dời để giải phóng mặt bằng.

Hoạt động tại FAST đã bắt đầu vào năm 2011 nhưng việc vận hành với đầy đủ chức năng mới bắt đầu từ tháng 1.2020, chủ yếu để thu các tín hiệu vô tuyến phát ra từ các thiên thể, đặc biệt là các sao xung - là những ngôi sao chết xoay chuyển rất nhanh.

Dữ liệu được FAST thu thập sẽ cho phép hiểu rõ hơn về nguồn gốc của vũ trụ và hỗ trợ tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

Gần đây nhất, Trung Quốc cho biết sẽ chấp nhận yêu cầu vào năm 2021 từ các nhà khoa học nước ngoài muốn thực hiện nghiên cứu tại FAST.

“Ủy ban khoa học của chúng tôi đặt mục tiêu làm cho FAST ngày càng cởi mở hơn với cộng đồng quốc tế'', Vương Kỳ Minh, Chánh thanh tra trung tâm hoạt động và phát triển FAST, cho biết.

Giáo sư vật lý John Dickey tại Đại học Tasmania ở Australia cho rằng, kết quả cho đến nay rất ấn tượng: “Trung Quốc chắc chắn là một trung tâm nghiên cứu khoa học toàn cầu, ngang hàng với Bắc Mỹ hay Tây Âu... Cộng đồng các nhà nghiên cứu tiên tiến, sáng tạo và được tổ chức tốt như ở bất kỳ quốc gia tiên tiến nào trên thế giới".

Còn ông Denis Simon, một chuyên gia về chính sách khoa học của Trung Quốc, nhận xét: “Theo nhiều cách, cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là cuộc chạy đua tìm kiếm tài năng - và cuộc đua này hứa hẹn sẽ tạo ra động lực khi sự cạnh tranh giữa hai nước ngày càng nóng lên”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn