MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách Trung Quốc tham quan ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc mở cửa - tiếp sinh lực cho tăng trưởng ở Đông Nam Á

Thanh Hà LDO | 10/03/2023 08:26

Trung Quốc mở cửa trở lại được đánh giá là sự kiện kinh tế lớn nhất trong năm và có ý nghĩa sâu sắc với Đông Nam Á cũng như thế giới. Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi trong 3 lĩnh vực: Du lịch, thương mại và đầu tư...

Du lịch "bù" ở cấp độ mới

Là sự kết hợp đa dạng giữa nền kinh tế cũ và mới, Đông Nam Á có vị thế thuận lợi để nắm bắt cơ hội từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Theo cây viết James Cheo của tờ The Business Times của Singapore, phục hồi kinh tế Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2023 có thể chưa được như mong đợi, nhưng tăng trưởng sẽ tăng tốc trong thời gian còn lại của năm. Từ năm 2023 trở đi, Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại trên 3 lĩnh vực: Du lịch, thương mại và đầu tư.

Tác giả bài viết lưu ý, nhu cầu bị dồn nén cùng với đó là ngân sách tiết kiệm suốt 3 năm qua sẽ được du khách Trung Quốc đại lục giải phóng. Trước đại dịch, có 150 triệu khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài. Nếu mỗi người trong số du khách này chi 2.000USD, quy mô chi tiêu của du khách Trung Quốc lên tới 300 tỉ USD mỗi năm. 

Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ đưa du lịch "bù" lên một cấp độ hoàn toàn mới. Thái Lan, Singapore, Indonesia và Việt Nam là những nước hưởng lợi chính từ sự quay trở lại của du khách Trung Quốc, theo The Business Times. Nhiều người sẽ dừng chân ở Singapore để đi tới các điểm đến quan trọng như Bangkok, Bali và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước sự gia tăng lượng khách du lịch Trung Quốc, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã điều chỉnh dự báo lượng khách nước ngoài từ mức 18-20 triệu lên 25 triệu trong năm 2023. Thái Lan là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới có khả năng tăng trưởng vượt bậc. Tờ báo có trụ sở tại Singapore dự đoán, Thái Lan sẽ tăng tốc tăng trưởng 3,8% trong năm 2023.

Nhờ du khách Trung Quốc, thị trường lao động Đông Nam Á sẽ phục hồi đáng kể, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến du lịch như thực phẩm, đồ uống, giải trí và khách sạn. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ chứng kiến các chuyến công tác quay trở lại và Singapore sẽ được hưởng lợi từ các hội nghị, sự kiện, triển lãm kinh doanh. 

Thương mại hồi sinh

Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc nên nhu cầu của Trung Quốc phục hồi sẽ thúc đẩy xuất khẩu của khu vực. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ dẫn đến mức tiêu thụ cao hơn và nước này gắn kết hơn với nền kinh tế toàn cầu.

Khi người tiêu dùng Trung Quốc đi ăn ở ngoài nhiều hơn, nhu cầu về các mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp do các nước Đông Nam Á sản xuất sẽ tăng lên. Cụ thể, Trung Quốc sẽ nhập nhiều nông sản hơn từ Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Indonesia là một nền kinh tế đáng chú ý khác trong năm nay khi việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm tăng nhu cầu với các mặt hàng của Indonesia như than đá và niken. Ngoài ra, Indonesia đang trải qua thời kỳ phục hưng công nghiệp của nước này. Với lượng niken dồi dào và khả năng sản xuất đang được nâng cấp, Indonesia có thể trở thành nhà sản xuất chính pin xe điện. 

Đầu tư tăng tốc

Việc triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - Hiệp định Thương mại tự do lớn nhất thế giới - sẽ tiếp tục hội nhập thương mại và thúc đẩy đầu tư hơn nữa giữa Trung Quốc và Đông Nam Á. Điều này đặc biệt quan trọng khi các công ty toàn cầu tìm kiếm địa điểm mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất của Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng. Cụ thể, đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia và Thái Lan dự kiến tăng để thúc đẩy chuỗi cung ứng xe điện của khu vực. Indonesia là nước hưởng lợi chính vì có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, chiếm 1/4 sản lượng toàn cầu.

Đông Nam Á là khu vực có các thế mạnh bổ sung cho nhau: Indonesia có tài nguyên thiên nhiên; Singapore là trung tâm tài chính quan trọng; Malaysia có năng lực sản xuất điện tử và lĩnh vực ôtô là thế mạnh của Thái Lan.

Thông qua RCEP, Đông Nam Á có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu trong tương lai - một trung tâm được xây dựng dựa trên sản xuất thông minh, bền vững và tự động hóa.

Cũng trong bài viết về chiến lược đầu tư, The Business Times nhận định, thị trường chứng khoán Đông Nam Á là một trong những nơi có mức tăng trưởng thu nhập mạnh nhất năm 2022, vượt trội so với các thị trường toàn cầu và khu vực. Xu hướng này có khả năng duy trì trong năm nay. 

Nhìn chung, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tiếp sinh lực cho tăng trưởng ở Đông Nam Á và khu vực sẽ nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn